Từ vụ án của Thái Thiên Phượng, những ngôi nhà 'ma ám' ở Hong Kong càng khó kiếm được khách hàng

04/04/2023 11:14:01

Ngoài những căn hộ là địa điểm xảy ra án mạng, tự tử…thì những căn hộ lân cận cũng bị “vạ lây” khi giá trị của chúng liên tục đi xuống hoặc bị các nhà môi giới chèn ép vì những câu chuyện lan truyền phía sau.

Từ vụ án của Thái Thiên Phượng, những ngôi nhà 'ma ám' ở Hong Kong càng khó kiếm được khách hàng
Người dân đặt hoa sau lễ cầu siêu tại ngôi nhà của Thái Thiên Phượng tại làng Lũng Mây, quận Đại Bộ. Ảnh: SCMP.

Đầu tháng 2 vừa qua, chủ một căn hộ nhỏ ở ngôi làng Lũng Mây yên tĩnh, thuộc quận Đại Bộ, Hong Kong đã tìm được một người sẵn sàng bỏ ra 10.000 HKD (gần 30 triệu đồng) thuê mỗi tháng.

Tuy nhiên, gần hai tuần sau đó, tin tức về vụ án mạng gây chấn động của Thái Thiên Phượng, 28 tuổi đã được lan truyền trên khắp các mặt báo ở Hong Kong cũng như nhiều nước trong khu vực. Những tình tiết kinh hoàng đã khiến người dân xứ Cảng Thơm chấn động như thi thể của cố người mẫu đã bị chặt thành nhiều mảnh, một số bộ phận bị nấu chín trong khi số khác bị nhét trong tủ lạnh, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin.

Đáng chú ý, những bộ phận thi thể của Thái Thiên Phượng cùng các dụng cụ gây án đều được cơ quan chức năng tìm thấy trong căn hộ tại ngôi làng Lũng Mây. Chồng cũ của Thái Thiên Phượng cùng anh trai và bố mẹ chồng của cô đều đã bị bắt vì liên quan đến vụ án.

Khi những người dân ở làng Lũng Mây tổ chức buổi lễ cầu siêu cho cố người mẫu và trấn an những người trong làng xong thì câu hỏi đặt ra giờ đây là: liệu có ai muốn sống trong ngôi nhà đó nữa không?

Theo SCMP, tại Hong Kong, những bất động sản liên quan đến những vụ giết người, tự tử hay thảm kịch thường được người dân đặt cho cái tên là “những ngôi nhà ma ám”, và tai tiếng này sẽ tồn tại trong một thời gian rất dài. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc đặt ra giá cả mua bán của căn hộ mà còn làm ảnh hưởng cho chính những bất động sản lân cận.

Từ vụ án của Thái Thiên Phượng, những ngôi nhà 'ma ám' ở Hong Kong càng khó kiếm được khách hàng - 1
Thái Thiên Phượng bị gia đình chồng cũ sát hại, thi thể bị phân thành nhiều mảnh giấu trong căn nhà. Ảnh: Instagram.

Joseph Ng Goon-lau, người được mệnh danh là “vua của những căn hộ ma ám” vì đã giao dịch thành công hàng chục khối bất động sản liên quan đến những cái chết bất thường kể từ năm 1993 cho biết, chủ nhà trong làng đã không thể làm gì để có thể thay đổi những câu chuyện được gắn với bất động sản đó.

“Ai cũng đều có một ký ức sống động về một vụ án mạng. Và nó sẽ tồn tại mãi mãi như vậy.” Joseph nói.

Nhà đầu tư bất động sản này cũng cho biết anh luôn tránh những căn hộ có liên quan đến giết người bởi chúng là khối tài sản khó bán nhất. Đối với các tài sản khác thì đây chính là công thức của anh ấy: “Đầu tiên, hãy đưa ra một mức giá hấp dẫn thật thấp, sau đó hãy đợi người ta đến lấy chúng.”

Theo nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết gần 900 ngôi nhà là địa điểm chứng kiến những cái chết bất thường và trong khoảng thời gian là 16 năm, giá trị của chúng đã bị giảm đi trung bình ⅕ và không có dấu hiệu hồi phục.

Kiểm tra các giao dịch bất động sản từ năm 2000 đến 2015, nghiên cứu cũng cho biết, các căn hộ lân cận cùng tầng thì giảm 9% trong khi những căn khác cùng chung tòa nhà đã mất đi 6% giá trị.

Vincent Cheung Kiu-cho, giám đốc điều hành của Vincorn Consulting and Appraisal, cho biết các căn hộ “ma ám” thường được bán với giá chiết khấu giảm 30% so với giá thị trường, mặc dù những căn hộ liên quan đến tội phạm khét tiếng hơn có giá giảm một nửa.

“Nói chung, những căn hộ có lịch sử ít kinh hoàng hơn có thể sẽ được bán sau đó vài năm. Những người có quá khứ đen tối cũng có thể bán được nhà của họ nhưng sẽ mất thời gian lâu hơn.” Cheung Kiu-cho nói với SCMP.

Một căn hộ ở Vịnh Cao Long đã được bán sau một thập kỷ kể từ khi vụ giết người xảy ra ở đó hồi năm 1998. Trong khi đó, một căn hộ Korrnhill ở Vịnh Quarry liên quan đến một vụ án giết người những năm 1980 đã được đổi chủ trước năm 1990 nhưng từ đó đến nay đã không còn ai dám mua nó. Thậm chí những căn hộ lân cận cũng được bán với giá thấp hơn giá thị trường cho đến tận những năm gần đây.

Từ vụ án của Thái Thiên Phượng, những ngôi nhà 'ma ám' ở Hong Kong càng khó kiếm được khách hàng - 2
Joseph Ng tại một trong những căn hộ của mình ở khu Vượng Giác (khu mua sắm sầm uất của Hong Kong). Ảnh: SCMP.

Người mua nhà cần phải rất can đảm mới dám chộp lấy những món hời này. Sammy Po Siu-ming, Giám đốc điều hành bộ phận dân cư của công ty môi giới bất động sản Midland Realty tại Hồng Kông và Ma Cao, cho biết các ngân hàng thường thận trọng khi cho vay đối với những tài sản như vậy vì rất khó để có thể bán nó.

Nhà đầu tư Ng Goon-lau cho biết, sau khi bị ngân hàng từ chối cho vay, ông đã chuyển sang chỉ dùng tiền mặt khi mua bán nhà. Ng Goon-lau kể lại, có lần để được ngân hàng cho ông vay thế chấp, ông đã phải xuất trình giấy chứng tử để chứng minh nạn nhân tự sát chết trong bệnh viện chứ không phải tại căn hộ ông mua.

Ông cũng cho biết, những căn hộ cho thuê của ông không bao giờ thiếu khách hàng vì anh luôn giảm giá cho họ. Khách hàng này chủ yếu là những người sống ở Hong Kong nhưng không phải dân bản địa, người nước ngoài hoặc sinh viên đến từ Trung Quốc.

Một trong những người thuê nhà của Ng Goon-lau, họ Chan cho biết, có một vụ tự tử tại căn hộ mà anh cùng gia đình đang thuê trọ. Giá thuê nhà được giảm là một điều thuận lợi nhưng vị khách này cũng cho biết anh đã phải rất đắn đo khi “xuống tiền” để thuê trọ.

“Những cánh cửa hoặc cửa sổ mà tôi nhớ là mình đóng rồi tự nhiên bật mở, trong khi những cái khác đang mở thì tự nhiên đóng lại. Về sau tôi mới nhận ra là do gió hoặc do người nhà tôi đóng lại mà thôi. Tôi nhận ra rằng thực ra mình đang tự gây ám thị mà thôi.” Anh Chan nhớ lại.

Kể từ đó, anh Chan luôn gạt bỏ những nỗi sợ hãi ra phía sau và cho biết: “Nếu bạn không làm điều gì trái với lương tâm của mình, bạn sẽ không phải sợ hãi bất cứ điều gì kể cả có ai đó gõ cửa nhà bạn lúc nửa đêm.” Chan nói với SCMP.

Với những căn hộ cho thuê công cộng có “quá khứ u ám” ở Hong Kong thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Khách hàng sẽ thường phải chờ khoảng 5 năm rưỡi để có được một căn hộ, tính đến tháng 12 năm ngoái và những căn hộ này vẫn luôn có người sẵn sàng nhận.

Một số căn hộ được giảm giá thuê nửa tháng trong một thời gian nhất định. Có 1.156 căn hộ như vậy vào năm ngoái, trong đó có 6 căn hộ liên quan đến các vụ án mạng. Những căn hộ này đã thu hút hơn 40.000 đơn đăng ký vào tháng 9 năm ngoái, theo Bộ Nhà ở Hong Kong.

QT (SHTT)

Nổi bật