Thảm kịch trong xe container
Theo tờ The Guardian, vào hồi 1h sáng 23/10/2019, cơ quan cứu thương hạt Essex (đông bắc London, Anh) đã nhận được một cuộc gọi về việc phát hiện thi thể người trong xe container.
Khi các nhân viên cứu hộ có mặt tại hiện trường, họ tìm thấy 38 người lớn và một thiếu niên đã tử vong trong thùng xe. Một nhân viên cứu hộ cho biết, "phần lớn nạn nhân ở trong trạng thái trần truồng và sùi bọt mép".
Tài xế Mo Robinson là người tiếp nhận container từ cảng Purfleet, và dường như không biết trên xe chở gì. Sau khi đi vào lãnh thổ Anh khoảng 70 phút, Robinson đã gọi cứu thương vì phát hiện thi thể trong thùng xe. Tài xế này sau đó bị cảnh sát bắt giữ để phục vụ điều tra.
Cảnh sát hạt Essex sau đó đã dùng hệ thống định vị GPS để xác định đường đi của container. Báo cáo điều tra cho biết, thùng container đã đi từ cảng Dublin (Ireland) để tới Bỉ, rồi từ Bỉ tới cảng Purfleet (Anh). Trong quá trình này, thùng xe đã đi qua các thành phố Dunkirk, Lille (Pháp) và Bruges (Bỉ). Dunkirk là một địa phương nổi tiếng về tình trạng buôn người.
Ban đầu, cảnh sát Anh cho rằng toàn bộ nạn nhân trong container đều tới từ Trung Quốc. Nhưng sau khi điều tra cụ thể, cơ quan chức năng đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để xác minh quốc tịch của các nạn nhân. Tới ngày 7/11/2019, tất cả nạn nhân đều được xác định là người Việt, có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.
Bản án dành cho những kẻ chủ mưu
Ngày 22/1/2021, Tòa Hình sự Trung ương London đã tổ chức phiên tòa xét xử 4 bị cáo liên quan tới vụ việc. Theo đó, Ronan Hughes và Gheorghe Nica được xác định có vai trò chủ mưu, bị tuyên án lần lượt 20 và 27 năm tù. Hai tài xế Eamonn Harrison và Mo Robinson bị cáo buộc ngộ sát, nhận mức án tù lần lượt là 18 năm và 13 năm 4 tháng.
Báo cáo điều tra cho biết, 39 nạn nhân người Việt được đưa lên thùng xe ở Pháp, và phải nộp hơn 23.000 USD (khoảng 545 triệu VND) để vượt biên sang Anh. Toàn bộ nạn nhân sau đó tử vong vì thiếu oxy và sốc nhiệt trong không gian hẹp.
"Đây là một kế hoạch lâu dài và có chủ đích, nhằm thu lợi nhuận thông qua việc vận chuyển người Việt qua eo biển Manche", Thẩm phán Nigel Sweeney cho biết.
Tháng 5/2020, hơn 20 nghi phạm liên quan đến vụ việc đã bị bắt ở Pháp, Bỉ và Đức. Những đối tượng này phải chịu mức án từ 18 tháng đến 15 năm tù.
Tại Việt Nam, vào tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt 7 bị cáo (6 nam, 1 nữ) từ 1 năm tù treo đến 7 năm 6 tháng tù giam. Các bị cáo bị cáo buộc về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.
Tình trạng buôn người sang Anh
Theo báo cáo của Cao ủy Chống nạn nô lệ độc lập (IASC), Việt Nam là một trong những nước có nhiều nạn nhân bị bán sang Anh nhất. Mỗi năm có hàng trăm người Việt nhập cư trái phép vào Anh thông qua các đường dây buôn người.
Đại diện của IASC cho biết, các đường dây buôn người thường dụ dỗ nạn nhân người Việt bằng viễn cảnh "việc nhẹ lương cao" tại châu Âu. Số tiền mà các nạn nhân phải chi ra cho các đường dây này dao động từ 10.000-40.000 USD.
Những kẻ buôn người hứa hẹn, chi phí bỏ ra càng nhiều thì quãng đường sẽ ngắn và ít nguy hiểm hơn. Rất nhiều nạn nhân thậm chí đã vay nặng lãi để được ra nước ngoài. Nhưng do là lao động bất hợp pháp, họ bị hạn chế cơ hội việc làm và đối diện nguy cơ bị Chính phủ Anh trục xuất bất cứ lúc nào.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)