Chính quyền Tokyo phải thông qua kế hoạch giảm 30% số vụ tự tử trong 10 năm tới trong bối cảnh số người tự tử ở nước này đang ở mức cao đáng lo ngại.
Áp lực công việc quá cao ở Nhật được cho là nguyên nhân hàng đầu của các vụ tự tử |
Theo hãng tin AFP, Nhật có tỉ lệ tự tử cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) với hơn 20.000 người tự kết liễu cuộc đời mỗi năm.
Mục tiêu của chính quyền Tokyo trong kế hoạch có tên “Các giải pháp tổng thể chống tự tử” công bố ngày hôm nay (25-7) là giảm tỉ lệ tự tử ở mức 18,5 /100.000 người vào năm 2015 xuống còn 13 người vào năm 2025, tương đương với tỉ lệ tại Mỹ (13,4%) và Đức.
Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe sẽ nỗ lực giảm số người tự tử xuống dưới 16.000 người vào năm 2025.
Sau khi đạt đỉnh năm 2003 với 34.427 người tự tử, con số này tại Nhật Bản đã giảm liên tiếp trong 7 năm tính từ năm 2010, xuống còn 21.897 người năm 2016.
Theo Bộ Y tế Nhật, năm 2016, quốc gia 127 triệu dân này đứng thứ 6 về tỉ lệ người tự tử, xếp sau Litva (30,8), Hàn Quốc (28,5) và Surinam (24,2).
Thông qua việc phân tích các nguyên nhân gây tự tử, kế hoạch trên kêu gọi giải quyết các vấn đề như làm việc quá giờ, trầm cảm sau sinh và định kiến gắn với các nhóm người thiểu số.
Mục tiêu mới tham vọng hơn bản kế hoạch thực thi từ năm 2007 là giảm 20% tỉ lệ tự tử trong 1 thập niên. Kế hoạch mới nhất này sẽ được xem xét lại sau 5 năm.
Liên quan đến vấn nạn làm việc quá giờ tại công sở, Nhật sẽ tập trung đảm bảo sức khỏe tinh thần cho người lao động và ngăn việc lạm dụng quyền lực cấp trên để gây sức ép tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, chính phủ quyết định thiết lập đường dây nóng để nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về vấn đề quấy rối tại trường học cũng như công sở.
Các biện pháp này được đưa ra sau vụ một nữ nhân viên của công ty quảng cáo Dentsu tự tử năm 2015 khi phải thường xuyên làm thêm 100 giờ/tháng thu hút sự chú ý của dư luận.
Vụ việc đã buộc Chủ tịch công ty Dentsu phải từ chức sau đó.
Đối với vấn đề trầm cảm của phụ nữ sau sinh, chính phủ Nhật Bản cam kết đánh giá sức khỏe tinh thần và điều kiện sống của các bà mẹ sau sinh thông qua kiểm tra sức khỏe và hỗ trợ nuôi dạy trẻ.
Nhằm giải quyết tỉ lệ tự tử cao trong thanh niên độ tuổi 20, Nhật Bản sẽ thúc đẩy các nỗ lực giáo dục nhằm hướng dẫn các sinh viên cách thức tìm kiếm sự giúp đỡ tại trường học; tập trung giám sát những trường hợp thể hiện sự tuyệt vọng trên mạng xã hội và xây dựng các mối quan hệ giữa con người tốt hơn.
Mặc dù chính phủ Nhật đang thúc đẩy mọi nỗ lực để giải quyết vấn nạn tự tử, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, khi tỉ lệ những người biết về mạng lưới hỗ trợ chống tự tử còn khá thấp.
Một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy chỉ có 6,9% số người được hỏi biết vệ dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần, 5% biết về tuần lễ ngăn nạn tự tử do chính phủ khởi xướng vào tháng 9. Ngoài ra, có tới 23,6% người trưởng thành được hỏi nghiêm túc cân nhắc đến việc tự tử.
Theo Hoàng Duy Long (Tuổi Trẻ)