Từ tai nạn đến thiên tai, châu Á trải qua mùa hè du lịch ác mộng

10/08/2018 09:55:49

Mùa hè 2018 trở thành kỳ nghỉ khó quên với nhiều du khách tới châu Á. Trong khi đó, các nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả, phục hồi du lịch.

Mùa hè năm nay có lẽ là một mùa hè kinh hoàng với nhiều người. Trong khi bão nhiệt, cháy rừng, hạn hán khắc nghiệt hoành hành tại châu Âu, những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Á cũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau các thảm họa và bi kịch.

Từ thảm họa thiên nhiên đến tai nạn do con người

Theo hãng tin Antara, trận động đất mạnh gần 7 độ ngày 5/8 tại đảo nghỉ dưỡng Lombok, Indonesia đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Giới chức vẫn đang khẩn trương tiến hành công tác cứu hộ các nạn nhân sống sót trong khi hàng nghìn du khách chầu chực đợi di tản.

Trước đó, ngày 29/7, một vụ động đất mạnh 6,4 độ cũng đã diễn ra gần Lombok, làm 17 người chết và hàng trăm du khách mắc kẹt trên ngọn núi lửa Rinjani. 

Đầu năm nay, chính quyền Indonesia xác định Lombok nằm trong 10 điểm đến có thể trở thành bản sao của đảo nghỉ dưỡng Bali nổi tiếng. Tuy nhiên, cả Bali và Lombok đều khiến giới chức địa phương lo lắng về hoạt động của núi lửa. Và có lẽ tác động của những thảm họa thiên tai gần đây sẽ còn để lại dư chấn lâu dài cho cả người dân Indonesia và du khách nước ngoài.

Từ tai nạn đến thiên tai, châu Á trải qua mùa hè du lịch ác mộng
Du khách trên đảo Gili, phía bắc đảo Lombok, Indonesia chờ được di tản sau trận động đất gần 7 độ. Ảnh: AFP. 

Hồi tháng 7, tàu Thái Lan bị sóng đánh chìm ngoài khơi tỉnh Phuket khiến 47 du khách Trung Quốc thiệt mạng. Theo Phuket News, sau tai nạn chìm tàu, khoảng 600.000 người Trung Quốc đã hủy các chuyến bay tới đất nước Đông Nam Á này. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan cho biết con số này đồng nghĩa với việc doanh thu giảm tới 1,1 tỷ USD, lượt du khách từ Trung Quốc giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Giới chức dự đoán ngành du lịch trong tháng 8 sẽ tiếp tục đi xuống, ước tính 930.000 du khách Trung Quốc sẽ tránh tới Thái Lan. Thậm chí, nhiều người cho rằng tình hình còn có thể tệ hơn.

Trong khi đó, doanh thu của ngành du lịch Thái Lan vốn đã giảm mạnh sau khi nước này đóng cửa Vịnh Maya ngày 1/6 do quá tải và ô nhiễm môi trường. Theo Bangkok Post, Cục Bảo tồn Động Thực vật hoang dã và Công viên Quốc gia (DNP) ước tính thiệt hại lên tới hơn 1,7 triệu USD trong giai đoạn tháng 6-7.

Từ tai nạn đến thiên tai, châu Á trải qua mùa hè du lịch ác mộng - 1
Khách du lịch nằm la liệt ở sân bay quốc tế Lombok đợi về nước. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, trả lời Bangkok Post, Phó tổng cục trưởng DNP Jongklai Worapongsathorn khẳng định: “Chúng tôi không quá quan ngại bởi ưu tiên của chúng tôi là phục hồi hệ sinh thái tại vịnh”. DNP đang cho xây dựng bến tàu dự kiến hoàn thành trước 1/10, ngày vịnh mở cửa trở lại, với hy vọng du khách sẽ đến và mang tới doanh thu.

Đồng thời, mặc dù dự kiến lượt khách du lịch sẽ giảm xuống còn 5,1 triệu người trong nửa cuối năm 2018, Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan đang nỗ lực để đảm bảo thị trường du lịch sẽ phấn khởi trở lại, kịp cho kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” tại Trung Quốc từ 1-7/10.

Theo Bangkok Post, khu nhập cảnh đặc biệt dành cho hành khách Trung Quốc sẽ được mở tại các sân bay ở Bangkok, Chiang Mai, Phuket và Hat Yai. Chính quyền cũng đang cân nhắc áp dụng visa nhập cảnh nhiều lần cho công dân Trung Quốc.

Voi châu Á cầu cứu

Lời kêu cứu từ những con voi bị bắt để phục vụ du lịch tại châu Á đang vượt qua cả biên giới địa lý. Tại Anh, các nhà vận động xã hội cho chiến dịch Cứu voi châu Á kêu gọi cấm quảng cáo và phát triển các chuyến tham quan liên quan tới voi bị bắt giữ.

Từ tai nạn đến thiên tai, châu Á trải qua mùa hè du lịch ác mộng - 2
Voi bị bắt diễn trò tiêu khiển cho du khách tại Thái Lan. Ảnh: SCMP.

Những người làm chiến dịch cũng đang yêu cầu Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove tạo sức ép lên chính phủ Ấn Độ để thả voi bị bắt giữ. Các thành viên của nhóm vận động, trong đó có diễn viên Evanna Lynch nổi tiếng với vai Luna Lovegood trong loạt phim Harry Potter, dự kiến sẽ đệ trình thư ngỏ kèm bản kiến nghị với 200.000 chữ ký lên Thủ tướng May.

“Voi châu Á đang chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng từ du lịch. Du khách Anh cùng những nhu cầu thương mại từ Anh đang đóng góp rất lớn vào tác động tiêu cực này”, trích thư ngỏ. Ngoài ra, lá thư cũng liệt kê chi tiết những hành động dã man từ con người mà voi phải hứng chịu.

Voi châu Á được xếp hạng động vật bị đe dọa trong Sách Đỏ từ năm 1986. Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng cá thể của loài này là khoảng 41.000 con, trong đó, cứ 4 con voi thì có 1 con bị bắt.

Những điểm sáng hy vọng

Dù vậy, có lẽ không phải nơi nào tình hình cũng tồi tệ. Philippines đã đóng cửa đảo du lịch Boracay nổi tiếng từ 26/4, nhưng lượng du khách tới nước này vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực với mức tăng hơn 10% trong tháng 1-5, đạt 3,2 triệu người, theo Bộ Công Thương Philippines.

“Những địa danh ít nổi tiếng hơn Boracay, như Busuanga và Siargao bất ngờ phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi tái điều động máy bay từ Boracay tới các địa điểm này. Theo tôi, điều này là rất tốt bởi nó tạo cơ hội phát triển 'chân rết' trong chiến lược phát triển du lịch. Không chỉ Boracay và Cebu, giờ chúng tôi có tới 4, 5 hòn ngọc”,  Lance Gokongwei, giám đốc điều hành hãng hàng không Cebu Pacific, nhận định.

Tại Pakistan, đảng Tehreek-e-Insaf (PTI) đã xác định du lịch là lĩnh vực phát triển có tiềm năng lớn. Theo tờ Daily Pakistan, Raja Khurram Nawaz thuộc PTI khẳng định “sẽ thúc đẩy và đưa Pakistan trở thành 'bí mật tuyệt vời nhất châu Á’ trên thị trường du lịch toàn cầu". Chính phủ cho biết sẽ tập trung phát triển 20 điểm du lịch mới trong 5 năm tới. Quy trình cấp thị thực cho du khách cũng sẽ được cải thiện.

Hiện tại, Pakistan không nằm trong danh sách 10 điểm đến đẹp nhất châu Á năm 2018 do Lonely Planet công bố. Tuy nhiên, theo SCMP, một khi nỗ lực vượt qua được những trở ngại về cơ sở vật chất và hạ tầng dịch vụ, Pakistan có thể sẽ trở thành ứng cử viên sáng giá trong danh sách các địa điểm đáng tới nhất vào năm sau.

Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật