Đêm 27 tháng 9 năm 1996 sẽ luôn là một đêm dài trong ký ức của tôi. Tôi đang thức để ôn thi giữa kỳ thì mẹ tôi nhận được tin rằng bố tôi đã được đưa ra khỏi tòa nhà văn phòng của Liên Hợp Quốc ở Kabul. Khuôn mặt mẹ khi ấy có vẻ bình tĩnh nhưng không giấu được sự lo lắng.
Nghe tin ấy xong tôi vui vừng khôn xiết. Cha tôi, Mohammad Najibullah, cựu tổng thống Afghanistan, cuối cùng đã được đoàn tụ với gia đình. Ông ấy, cùng với chú tôi, đã phải trú ngụ trong tòa nhà của Liên Hợp Quốc kể từ ngày 16 tháng 4 năm 1992, khi các lực lượng trong chính phủ của ông đào tẩu. Việc từ chức và ra đi của ông nằm trong kế hoạch của Liên Hợp Quốc, nhằm chấm dứt nội chiến và dọn đường cho một chính phủ liên minh hòa bình. Nhưng khoảng trống quyền lực đã nhanh chóng đẩy Afghanistan vào vòng xoáy của tình trạng vô chính phủ.
Sau 4 năm phải xa bố, mẹ tôi, các chị và tôi vô cùng háo hức chờ đợi phút giây được gặp lại bố. Sau đó, tôi lại được nghe về một phe cánh gọi là Taliban đang tiến gần đến thủ đô của Afghanistan, tôi lo rằng ngày đoàn tụ của gia đình tôi sẽ không còn nữa.
Thế nhưng, khi ấy, sự ngây thơ dại khờ của một đứa trẻ khao khát gặp lại cha mình cho phép tôi tưởng tượng ra viễn cảnh tích cực. Nhưng mẹ tôi thì cảm nhận được một thực tế còn nghiệt ngã hơn. Mẹ tôi xem tin tức suốt đêm. “Giác quan thứ sáu của mẹ cho biết bố các con sẽ không về”, mẹ nói với chúng tôi, ánh mắt vô cùng sợ hãi.
Mảng ký ức tăm tối của một đứa trẻ có bố làm tổng thống
Vào những năm 1990, trước khi Internet kết nối cả thế giới với nhau, rất ít người biết về Taliban. Các bản tin phát sóng trên đài phát thanh chỉ tập trung ca ngợi những thành tựu đáng kể của họ ở phía Tây Nam đất nước. Người ta mô tả Taliban là nhóm dân quân chiến đấu vì "hòa bình, an ninh và ổn định". Đây được xem là lời kêu gọi phổ biến có khả năng thôi thúc khi những người dân Afghanistan đã quá mệt mỏi vì chiến tranh.
Tôi nghĩ chúng tôi sẽ sớm được gặp bố tôi. Chúng tôi đã được nói chuyện với bố vài giờ trước khi Taliban tiến vào Kabul. Không có gì bất thường trong giọng nói của bố khi ấy cả. Đó là một cuộc trò chuyện bình thường mà tôi mơ hồ nhớ được. Một cuộc trò chuyện bình thường như những lần trước đó.
Đêm đó, khi Taliban tiến vào thủ đô, đến gõ cửa văn phòng của Liên Hợp Quốc để thăm "vị khách đặc biệt " của họ. Vài giờ sau, tin tức nóng hổi lan truyền: "Cựu lãnh đạo Afghanistan, Tổng thống Najibullah đã bị hành quyết". Tôi không biết từ này có nghĩa là gì. Tôi quay sang hỏi chị gái nhưng khuôn mặt vô cảm của chị khiến tôi hoảng sợ. Vơ vội lấy cuốn từ điển, tôi lật đến chữ E (execute - xử tử).
Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình. Không phải vì tôi là con gái của một cựu tổng thống Afghanistan, mà bởi vì những gì đang xảy ra với đất nước tôi bây giờ tương tự như những gì đã xảy ra sau đó: Ngày này của đúng 25 năm về trước, Taliban đã chiếm Afghanistan. Sau ngày hôm đó, cuộc sống của tôi, của rất nhiều người khác trong thế hệ của tôi, đã thay đổi mãi mãi - và không phải tất cả đều tốt đẹp hơn.
Trước khi bố tôi trở thành tổng thống, cuộc sống của chúng tôi ở Kabul rất hạnh phúc. Chúng tôi sống trong một căn hộ nhỏ trong một khu phố sôi động tên là Macroyan. Những năm đầu của tuổi thơ tôi là khoảng thời gian mà gia đình 5 người chúng tôi vẫn còn quây quần bên nhau.
Chúng tôi đã dành phần lớn thời gian của mình ở aftaw-khana (phòng tắm nắng). Buổi tối, khi bố trở về nhà, gia đình lại sum họp bên nhau để ăn tối và rôm rả nói chuyện - từ chuyện công việc, trường học hoặc những gì người lớn tuổi nghe được trên tin tức. Nhưng tất cả điều này đã thay đổi khi bố tôi trở thành tổng thống.
Chúng tôi chuyển từ căn hộ ấm cúng, khiêm tốn của mình đến dinh tổng thống hoành tráng. Nơi ở mới của chúng tôi, mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt và an toàn, nhưng anh chị em của tôi và tôi đã bị cô lập khỏi tất cả những gì chúng tôi từng biết. Các cuộc tụ tập buổi tối tại sân chơi hay những lần đám trẻ con ngẫu hứng rủ nhau đi mua kẹo cao su thổi bong bóng hay bóng bay đã không còn nữa.
Khi chưa đầy 4 tuổi, tôi thấy ngôi nhà mới của chúng tôi thật ngột ngạt. Có không gian rộng rãi nhưng không có ai chơi cùng. Rồi dần dần, chúng tôi chẳng được nhìn thấy bố. Bố luôn bận rộn, đi công tác xa. Cuối cùng, những bữa ăn gia đình đầm ấm trở thành mong ước xa xỉ, hiếm hoi lắm mới có được.
Bố tôi là một người đàn ông cao lớn và vạm vỡ. Bố còn có biệt danh là "Najib the Bull" vì tính cách sôi nổi của ông. Ánh mắt bố đầy vẻ dữ dằn và giọng nói thì mạnh mẽ đầy uy lực.
Nhưng đối với tôi, giống như bất kỳ cô bé nào nghĩ về cha của mình, bố luôn là người hùng. Một đêm năm 1986, Mujahideen (một phe nổi dậy ở Afghanistan thời bấy giờ) đốt cháy một kho đạn quân đội ở hồ Qargha, gần Kabul. Khi những tiếng nổ vang khắp thành phố, tôi đã khóc và bảo bố tìm cách dừng trò ồn ào ấy lại. Bố quấn tôi trong một chiếc chăn và ôm chặt tôi vào lòng. “Con sẽ an toàn khi ở cùng bố. Không ai có thể làm hại con đâu", bố thì thầm với tôi như thế và tôi tin bố. Nhưng vào năm 1996, khi Taliban tiến quân vào Kabul, chẳng có ai bảo vệ bố cả.
Hình ảnh bố ra đi ngày ấy đã ám ảnh trong tâm trí tôi. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố lại là cảnh ông bị treo cổ trên một cột đèn giao thông, bố cùng chú tôi đã bị đánh đập đến chết và trưng ra cho cả thế giới nhìn thấy. Tôi cảm thấy bất lực và nhục nhã. Ở tuổi 13, tôi đã trở thành người lớn chỉ sau một đêm. Tôi mất cha, mất nhà và mọi hy vọng trở về Afghanistan.
Mọi người hãy thử tưởng tượng cảm giác của một người Afghanistan sống lưu vong vào thời điểm này. Thật khó để mô tả cảm giác của sự thay đổi với những ai chưa từng trải qua.
Tương lai nào cho những người dân khao khát hòa bình đến cháy bỏng?
Năm 1992, bố tôi kêu gọi Mỹ giúp Afghanistan trở thành một bức tường thành chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ông nói: “Nếu chủ nghĩa cực đoan đến Afghanistan, chiến tranh sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa. Afghanistan sẽ trở thành một trung tâm buôn lậu ma túy của thế giới. Afghanistan sẽ bị biến thành trung tâm của chủ nghĩa khủng bố”.
Những lời cảnh báo của bố đã bị phớt lờ. Khi quân Liên Xô rút khỏi Afghanistan vào tháng 2 năm 1989, hầu như tất cả các quốc gia phương Tây đã từ bỏ các đại sứ quán của họ và tẩy chay chế độ của bố tôi. Và rồi, một thập kỷ sau, những linh cảm của bố tôi đã trở thành sự thật. Sau vụ tấn công khủng bố 11/9, Mỹ đưa quân đến Afghanistan để dẹp bỏ nhóm khủng bố Hồi giáo và bắt đầu cuộc chiến dài hơi. Tôi tự hỏi, nếu cả thế giới lắng nghe bố tôi, liệu mọi chuyện có khác đi không?
Khi Taliban nắm quyền kiểm soát chính quyền ở Kabul, nhiều người Afghanistan đã chạy trốn. Giống như gia đình tôi, nhiều người sẽ bắt đầu lại cuộc sống của họ từ con số không cùng với một vali ký ức và hy vọng quay trở lại. Điều gì sẽ trở thành điểm sáng nhất của Afghanistan? Người trở thành ông chủ giàu có ở thành phố New York? Hay người trở thành bà chủ cửa hàng ở Kilburn (London, Anh)? Còn những người ở quê nhà thì sao? Sẽ có bao nhiêu cô gái và phụ nữ xuất hiện trên đường phố? Những đứa trẻ sẽ đi học chứ? Liệu họ có cơ hội nhìn thấy cha mình già đi không?
Dân chủ không mang lại hòa bình cho Afghanistan. Cũng không có thỏa thuận Doha, một thỏa thuận mang tính đối ngoại và thiếu sót đã bỏ qua tiếng nói của người dân. Bất chấp tất cả những khó khăn này, người Afghanistan đã đi được một chặng đường dài. Những cách thức cũ không dành cho thế giới này, và nhiều người Afghanistan mong đợi một điều gì đó khác biệt trong cuộc sống, hơn nhiều so với cách đây 25 năm.
Afghanistan đã thay đổi trong suốt nhiều thập kỷ xung đột và bạo lực. Có lẽ bây giờ là thời điểm thích hợp để người Afghanistan cho thế giới thấy về con người thật của mình - những giá trị chung, sự đoàn kết và ước mơ. Afghanistan không phải là một "nghĩa địa của các đế chế", cũng không phải là một quốc gia của những người tị nạn. Chúng tôi đang phải di dời, nhưng một ngày nào đó sẽ trở lại - sớm thôi!
*Bài viết của Muska Najibullah - một nhà văn, người kể chuyện bằng hình ảnh và nhà hoạt động xã hội sinh ra tại Afghanistan. Cô là con gái của cựu tổng thống Afghanistan Mohammad Najibullah.
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)