Tổng thống Mỹ Richard Nixon nghĩ rằng việc ném bom Việt Nam cuối những năm 1960, đầu thập kỷ 1970 là vô ích, dù vẫn tuyên bố với công chúng rằng đó là thành công. Nixon thậm chí còn ra lệnh ném bom nhiều hơn nữa chỉ vì lúc đó ông ta đang tranh cử để được bầu lại năm 1972.
|
Richard Nixon (trái) và Henry Kissinger (phải).
|
Lời nói dối
Đây là tiết lộ trong cuốn sách mới của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward sẽ được phát hành ngày 13.10 có tựa đề "Người cuối cùng của Tổng thống" (The last of President's men). Bob Woodward cũng là người đã phơi bày vụ bê bối Watergate trên tờ Washington Post.
Theo cuốn sách của Woodward, Richard Nixon đã có một ghi chú viết tay bên lề báo cáo tuyệt mật để cập nhật cho tổng thống về những diễn biến của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ghi chú đề ngày 3.1.1972 gửi cho cố vấn an ninh quốc gia của ông lúc đó là Henry Kissinger viết: "K. Chúng ta đã có 10 năm kiểm soát trên không ở Lào và V.Nam. Kết quả=không. Có gì đó sai lầm trong chiến lược của chúng ta hoặc với Không lực Mỹ".
|
Ghi chú của Nixon: Ném bom là bằng không. |
Woodward viết: Việc ném bom không có tác dụng, song Nixon bảo vệ điều đó và còn tăng cường ném bom để thúc đẩy triển vọng tái đắc của của ông. Tuyên bố nói rằng việc ném bom có hiệu quả về mặt quân sự "là một lời nói dối, và ở đây Nixon đã làm rõ rằng ông ta biết điều đó" - Woodward viết.
Phong trào phản chiến ở Mỹ lúc đó cực kỳ mạnh mẽ và Nixon chịu sức ép chính trị phải chấm dứt chiến tranh. Tâm điểm trong cách tiếp cận của Nixon là "Việt Nam hóa chiến tranh" - rút lính Mỹ để miền Nam Việt Nam tiếp quản, và đàm phán giải pháp hòa bình "trong danh dự", tránh bất kỳ điều gì có thể bị coi là thất bại. Khi bộ binh rút đi, không lực là một trong những công cụ còn lại của Nixon để gây sức ép. Cuối tháng 12.1971, Nixon ra lệnh kéo dài ném bom các mục tiêu miền Bắc Việt Nam 5 ngày. Đầu 1972, Nixon chuẩn bị tuyên bố tái tranh cử và lên đường thăm Trung Quốc. Nhưng ông ta lo ngại về những thông tin rằng quân đội Bắc Việt đang củng cố lực lượng, báo trước một cuộc tấn công.
Chỉ một ngày trước khi viết ghi chú trên cho Kissinger, Nixon trả lời phỏng vấn phóng viên Dan Rather của kênh truyền hình CBS News suốt cả tiếng đồng hồ phát trên "giờ vàng của truyền hình", khi được hỏi về tác dụng của việc ném bom, ông tuyên bố: "Kết quả là rất, rất hiệu quả".
"Thói quen ném bom"
Hôm sau, trong ghi chú ngày 3.1, Nixon còn viết thêm: "Tôi muốn có một nghiên cứu có giá trị trên bàn tôi trong 2 tuần nữa về những lý do của sự thất bại đó là gì, nếu không chiến dịch không kích tiếp tục chẳng có ý nghĩa gì ở Campuchia, Lào... sau khi chúng ta hoàn thành việc rút quân. Hãy làm họ rung chuyển!!" - Nixon gạch dưới những từ cuối cùng tới 2 lần.
Trong một ghi chú khác viết vài tháng sau đó, Nixon phàn nàn với Kissinger rằng quân đội và nạn quan liêu quá đáng sợ. Ông ta yêu cầu hành động phải "mạnh mẽ, đe dọa và hiệu quả" để "trừng phạt kẻ thù". Có thể Nixon đã thất vọng vì sự kiên cường của quân đội Bắc Việt. Woodward dẫn nguồn của CIA, tình báo quốc phòng và Lầu Năm Góc cho thấy việc ném bom không hiệu quả vì Bắc Việt có nguồn tiếp tế nhiều hơn cần thiết để chiến đấu trên chiến trường miền nam, và có thể trụ vững 2 năm cho dù việc ném bom tiếp tục.
|
Nixon rời Nhà Trắng tháng 9.1974 do vụ bê bối Watergate. |
Tiếp sau tuyên bố "bằng không" là những mệnh lệnh tăng cường ném bom miền Bắc Việt Nam. Ngày 8.5,. Nixon ra lệnh nổ mìn cảng Hải Phòng và đánh bom các mục tiêu quân sự chủ chốt. Ngày 16.10, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử, Nixon nhớ lại quyết định đánh mìn cảng Hải Phòng và nói với Kissinger: "Ngày 8.5 là phép thử. Đó là cách chúng ta chuẩn bị cho tất cả những việc này. Bầu cử chẳng hạn. Nixon thắng cử vang dội tháng 11.1972. Và cho đến cuộc bầu cử năm đó, Mỹ đã thả 1,1 triệu tấn bom trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, gồm 207.000 tấn ở riêng miền Bắc - Woodward cho biết, theo các tài liệu của Lầu Năm Góc.
Woodward cũng phỏng vấn Kissinger và cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói, ông đồng ý với kết luận của Nixon rằng những năm ném bom Bắc Việt đã thất bại, và ông nhớ lại rằng Nixon thấy bất lực: "Ông ta có thói quen muốn ném bom nhiều hơn... những chỉ đạo của ông ta hầu hết thường là ném bom nhiều hơn".
"Tổng thống đầy hận thù"
Woodward viết: "Kết luận 'bằng không' được rút ra sau 3 năm. Bằng cách nào và khi nào Nixon nhận ra điều đó? Lịch sử có thể không bao giờ biết được. Có thể Nixon không bao giờ biết được, không bao giờ nắm bắt được sức nặng đầy đủ của kết luận của chính ông ta".
|
Người tiết lộ những tư liệu mật của Nhà Trắng: Cựu trợ lý chánh văn phòng Nhà Trắng Alexander Butterfield, năm nay đã 89 tuổi. Ảnh của WP chụp tại Washington ngày 10.10.2015. |
Những ghi chú nói trên được tiết lộ bởi Alexander P.Butterfield, cựu phụ tá của H.R.Haldeman, chánh văn phòng Nhà Trắng. Butterfield đã mang theo nhiều thùng tài liệu khi ông rời Nhà Trắng. Phát biểu với tờ Washington Post, Butterfield nói rằng ông nghĩ chính quyền Nixon là một "sự ô uế" và khi ông phải rời nhiệm sở vào tháng 8.1974 sau khi bị luận tội, ông đã "reo mừng ở bên trong". Butterfield trở thành một nhân vật quan trọng trong vụ bê bối Watergate khi ông tiết lộ cho các nhà điều tra của Thượng viện Mỹ về sự tồn tại của hệ thống nghe lén của Nhà Trắng, khiến Nixon phải từ chức năm 1974.
Cuốn sách dựa trên các tài liệu và hơn 46 giờ phỏng vấn với Butterfield. Nó ddwa ra bức chân dung thân mật nhưng đáng lo ngại của Nixon trong những tháng ngày ở Phòng Bầu dục. Butterfield miêu tả Nixon là một người mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng, nhưng cũng đầy hận thù, nhỏ mọn, cô đơn, nhút nhát và hoang tưởng. Butterfield cảm nhận mâu thuẫn một cách sâu sắc: Ông tự hào được phục vụ nhưng cũng thất vọng khi biết rõ mặt trái trong nhiệm kỳ tổng thống của Nixon: "Tất cả đều là một sự ô uế" - ông nói với nhà báo Woodward.
>> Nixon đã che đậy thảm sát Mỹ Lai như thế nào?
Theo V.N (Lao Động)