Ngày 3/2, truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) đồng loạt đưa tin diễn viên đình đám Từ Hy Viên (Đại S) đã qua đời ở tuổi 48 vì cúm mùa Nhật Bản và viêm phổi. Thông tin này đã được gia đình xác nhận sau đó.
Trước khi qua đời thương tâm vì cúm mùa và viêm phổi, Từ Hy Viên từng bị sảy thai 2 lần đồng thời mắc chứng động kinh và bệnh tim mãn tính. Cụ thể, khi nữ diễn viên bị ngất và được đưa vào viện năm 2017, cô tiết lộ rằng mình mắc bệnh tim mãn tính do sa van hai lá và có tiền sử động kinh. Cô đã buộc phải nhập viện trong tình trạng hôn mê do lên cơn động kinh nhiều lần.
Ngay sau khi thông tin nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời do cúm mùa và viêm phổi được gia đình xác nhận, nhiều người dùng mạng và người hâm mộ đã không giấu được sự hoang mang cũng như nỗi lo ngại về tình hình dịch cúm tại Nhật Bản; cũng như sự lây lan của căn bệnh này với những du khách đến đất nước này từ tháng 12/2024 trở lại đây.
Tuy nhiên, trên thực tế thì số người mắc cúm tại Nhật Bản hiện đang giảm.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, số bệnh nhân cúm trung bình được báo cáo bởi khoảng 5.000 cơ sở y tế trên khắp Nhật Bản từ ngày 20 - 26 tháng 1 là 11,06 bệnh nhân mỗi cơ sở, giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm là 64,39 người. Như vậy, có khoảng 386.000 bệnh nhân đến các cơ sở điều trị bệnh cúm trên khắp Nhật Bản trong tuần vừa qua. Mức cao nhất đạt 2,58 triệu người trong một tuần.
Từ ngày 2 tháng 9 năm 2024 đến nay, ước tính tổng số lượt khám bệnh do cúm tại Nhật Bản đã lên tới 9,523 triệu người. Trong đó, số ca nhập viện do cúm được khoảng 500 cơ sở y tế tại Nhật Bản báo cáo trong tuần vừa qua là 1.308, giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm là 5.304 lượt.
Bệnh nhân cúm dù phân bố ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn đều trên 60 tuổi, chiếm khoảng 70%. Phân loại cúm trong 5 tuần qua: Cúm A H1N1 chiếm 93%, H3N2 chiếm 6% và cúm B chiếm 2%. Một số chuyên gia Nhật Bản cảnh báo có thể xuất hiện một làn sóng dịch cúm B khác trong tương lai.
Đồng thời, Nhật Bản cũng đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cúm và xuất hiện phân phối không đồng đều các loại thuốc kháng vi-rút cúm, đặc biệt là các chế phẩm oseltamivir phosphate. Để ứng phó với những tình huống này, Hiệp hội Y khoa Nhật Bản không chỉ yêu cầu Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt và phân phối thuốc không đồng đều mà còn đảm bảo số lượng cung cấp cho các cơ sở y tế, tránh nhầm lẫn khi dịch bệnh lây lan.
Theo Phạm Trang (Nguoiduatin.vn)