Ba quốc gia Baltic và cũng là 3 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gồm Lithuania, Latvia và Estonia có đường biên giới chung trên đất liền với Nga và Belarus kéo dài 1.400 km nhưng lại chỉ được kết nối với phần còn lại của NATO qua một dải lãnh thổ hẹp của Ba Lan gọi là Hành lang Suwalki (Suwalki Corridor).
Rộng 65 km và chỉ có hai tuyến đường bộ và một tuyến đường sắt, Hành lang Suwalki từ lâu đã là mối quan ngại sâu sắc của các lãnh đạo quân sự phương Tây và vẫn được coi là yết hầu hay tử huyệt của NATO nếu xảy ra xung đột với Nga.
Nằm ở phía Tây Hành lang Suwalki là vùng lãnh thổ tách biệt Kaliningrad của Nga - một cảng biển quân sự trọng yếu trên biển Baltic, còn ở phía Đông là Belarus - một đồng minh quân sự nòng cốt của Nga.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu, Trung tướng Ben Hodges đã lên tiếng cảnh báo: "Nếu cắt đứt tuyến hành lang này cũng có nghĩa là Nga đã cô lập được 3 nước Baltic với phần còn lại của NATO mà không cần phải tốn một viên đạn. Do đó, việc bảo vệ Hành lang Suwalki trở thành nhiệm vụ cấp bách với NATO".
"Nằm ở giữa Belarus và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, đây là tuyến đương trên bộ duy nhất kết nối NATO với 3 nước Baltic thành viên Estonia, Latvia và Lithuania", Trung tướng Ben Hodges viết trong một báo cáo dự kiến sẽ công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO.
"Nếu các lực lượng Nga thiết lập được quyền kiểm soát hành lang này, hoặc thậm chí đe dọa hoạt động chuyển quân và vũ khí trang bị của NATO qua đó, họ có thể chia tách các quốc gia Baltic với liên minh, đồng thời ngăn chặn được tiếp viện của các nước đồng minh tới đây qua lãnh thổ Ba Lan".
Tướng Ben Hodges cũng nhấn mạnh: "Bằng cách này, Kremlin muốn cho chúng ta thấy rằng NATO không thể bảo vệ được một trong các thành viên của mình cũng như cho thấy chúng ta sẽ quá chậm và không thể ngăn chặn một đợt tấn công nếu xảy ra. Đây thực sự là một vấn đề".
Kịch bản này được minh chứng rất rõ qua tình huống giả định trong cuộc tập trận của Nga vào mùa Thu năm ngoái - Zapad 2017. Sự kiện chủ yếu diễn ra ở Belarus nhưng lại có sự tham gia đông đảo của binh lính và khí tài quân sự Nga gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Zapad 2017 mô phỏng kịch bản Quân đội Nga chiến đấu với các quốc gia giả định không có thực nhưng lại có vị trí địa lý trùng khớp với Ba Lan, Latvia và Lithuania.
"Mục tiêu chính là tấn công Latvia ở phía Đông, sau đó tràn xuống Lithuania rồi cắt sang Kaliningrad từ ngả Belarus", Phil Karber, Chủ tịch Quỹ Potomac đồng thời là một trong những tác giả của Báo cáo "Nghiên cứu Nghệ thuật Tác chiến Thế hệ mới của Nga" năm 2016 nhận xét.
"Như thế, trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột thực sự, Nga có thể thiết lập được một tuyến phòng thủ dọc Hành lang Suwalki, qua đó cho phép họ cắt đứt được đường tiến cận từ Ba Lan tới Lithuania, Latvia và Estonia".
Kết luận về vấn đề này trên trạng mạng Defense One,Trung tướng Ben Hodges cho rằng: "Nếu Nga muốn làm một điều gì đó, nhiều khả năng họ sẽ hành động theo cách phi đối xứng. Như vậy, họ có thể đạt được những gì họ muốn trước khi liên minh sẵn sàng".
Theo Trung Phạm (Soha/Trí Thức Trẻ)