Các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Pháp cho thấy kẻ thù đến từ bên trong. Nguyên nhân khủng bố không nhất thiết là xung đột giữa các nền văn minh.
Từ Charlie Hebdo đến khủng bố Paris 13/11
|
Người đi xem hòa nhạc sơ tán sau vụ xả súng điên cuồng tại nhà hát giữa trung tâm Paris. Nhà hát ở cách trụ sở tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo không xa. Ảnh: Reuters
|
Ông Vũ Đoàn Kết, giảng viên Học viện Ngoại giao, từng công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, gửi bài viết cho phóng viên:
Kẻ thù đến từ bên trong nước Pháp
Qua các sự kiện khủng bố xảy ra ở Pháp từ đầu năm có thể thấy năng lực phòng chống khủng bố ở Pháp nói chung đang gặp vấn đề: không nắm được thông tin tình báo, không có được các giải pháp phòng ngừa hiệu quả...
Đây là kịch bản chung trong cuộc đối đầu giữa các quốc gia, các lực lượng chính thống với khủng bố vì các quốc gia có thể chiến thắng trên các chiến trường quy ước nhưng tỏ ra ít hiệu quả khi trên các mặt trận phi quy ước, lực lượng khủng bố mới là bên quyết định mục tiêu, thời điểm, phương thức tấn công.
Chiến dịch chống khủng bố mà Pháp tham gia ở bên ngoài lãnh thổ đã không mang lại an toàn cho nước này bởi có thể thấy các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Pháp lại chủ yếu là do các lực lượng, cá nhân ở trên lãnh thổ Pháp với các phương tiện có thể có được tại chỗ. Nói cách khác kẻ thù đến từ bên trong nước Pháp.
Điều này khá tương đồng với các vụ khủng bố ở London, Madrid các năm trước đây. Các tác giả khủng bố sinh ra là người Pháp và được hưởng nền giáo dục Pháp trước khi bị cực đoan hóa.
Điều này khác với vụ al-Qaeda khủng bố là những người đến từ bên ngoài chỉ lợi dụng các kẽ hở về an ninh và phương tiện sẵn có để tấn công.
Vòng xoáy cực đoan hóa
Điều thứ hai cho thấy nhận xét thứ 3 là dường như Pháp cần xem lại chính sách nhập cư, hội nhập xã hội và tự đặt câu hỏi tại sao những người được sinh ra trên đất Pháp, hưởng mọi thuận lợi mà xã hội Pháp mang lại, lại đang tấn công chính xã hội đó.
Nói cách khác, tại sao các giá trị tự do, bình đẳng, bác ái, sự cởi mở của xã hội Pháp lại không giúp một bộ phận công dân hội nhập mà ngược lại, họ lại tự mình đi kiếm tìm hoặc bị dẫn dắt bởi các tư tưởng cực đoan, bạo lực.
Phải chăng tư duy mang tính áp đặt giữa các giá trị này lên các giá trị khác là không phù hợp mà phải chấp nhận sự cộng sinh, chia sẻ giữa các giá trị khác nhau.
Nhiều người cho rằng khủng bố xảy ra ở Pháp là mặt trái của tấm huy chương, cái giá phải trả có sự cởi mở xã hội, chính sách nhập cư vốn đã khá thành công trong những năm 70-80.
Cùng với khủng hoảng kinh tế, sự tiếp cận dễ dãi với các tư tưởng cực đoan, các biến động đặc biệt những gì diễn ra ở Trung Đông làm cho các xã hội mở như Pháp dễ bị tổn thương hơn.
Nói như vậy để thấy nguyên nhân khủng bố không nhất thiết là xung đột giữa các nền văn minh như nhiều người có thể liên tưởng. Nói xung đột giữa các nền văn minh là tự rơi vào cái bẫy xung đột mà một số người, lực lượng đang cố tình bày đặt ra.
Nói xung đột giữa các nền văn minh là khu biệt hóa một cách tương đối, mà văn minh vốn không thể khu biệt hóa được. Hơn nữa nói như vậy là chấp nhận một số người, lực lượng là đại diện cho một nền văn minh nào đó. Tuy nhiên IS hay al-Qaeda không thể đại diện cho thế giới Hồi giáo.
Lúc này chưa thể kết luận điều gì vì thực tế khủng bố không chỉ do các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ở Pháp còn có những nguy cơ khác ngoài Hồi giáo cực đoan. Ngay chính Tổng thống Pháp cũng đã cảnh báo mọi ý đồ lợi dụng nhằm phỉ báng, phân biệt sắc tộc, tôn giáo cho dù tác giả của vụ tấn công này là ai.
Từ cảnh báo của Tổng thống Hollande, có thể nhận thấy xã hội Pháp nói riêng và trong chừng mực nào đó xã hội một số nước EU nói chung đang ở trong vòng xoáy cực đoan hóa.
Những vụ khủng bố cực đoan, xung đột và bạo lực xã hội giữa các cộng đồng giá trị cộng với khủng hoảng kinh tế là mảnh đất màu mỡ cho các tư tưởng dân tộc cực đoan chủ nghĩa, các đảng cực hữu và đến lượt chính các thế lực này lại chĩa mũi nhọn tấn công vào các cộng đồng nhập cư, các cộng đồng giá trị không tương đồng và điều này lại khơi sâu thêm hố ngăn cách và gia tăng căng thẳng, xung đột mà bạo lực và khủng bố là lựa chọn của các thành phần cực đoan nhất trong số cả hai xu hướng này.
>> Khủng bố tấn công Paris lấy súng AK-47 từ đâu?
>> Một nhà hàng Việt Nam bị tấn công trong vụ khủng bố ở Paris
>> Vì sao Pháp hay trở thành mục tiêu khủng bố
>> Khủng bố tại Paris, các nước cung cấp đường dây nóng
Theo Vũ Đoàn Kết (Zing.vn)