Từ CEO, thị trưởng Seoul lên ngôi vị Tổng thống: Bi kịch sau cuối của Lee Myung-bak

23/03/2018 09:08:00

Cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã bị bắt tại tư gia và trở thành nhân vật quyền lực mới nhất của Hàn Quốc vướng vào vòng lao lý.

Từ CEO, thị trưởng Seoul lên ngôi vị Tổng thống: Bi kịch sau cuối của Lee Myung-bak
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị bắt. Ảnh: Yonhap/EPA

Vụt sáng thành sao

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã bị bắt giữ vì hàng loạt cáo buộc tham nhũng. Theo Yonhap, đây là "khúc cuối" không mấy tươi sáng trong sự nghiệp đáng ra đã được coi là thành công của ông: Từ một giám đốc điều hành lên làm thị trưởng thành phố Seoul và sau đó là Tổng thống Hàn Quốc.

Ông Lee, người giữ vị trí lãnh đạo Hàn Quốc từ 2008-2013 đã bị bắt giữ tại tư gia ở phía Nam thủ đô Seoul và được đưa tới trung tâm giam giữ gần đó sau khi Tòa án Trung tâm Seoul phát lệnh bắt giữ với các cáo buộc nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, lạm dụng chức quyền cùng nhiều cáo buộc khác.

Ông Lee bắt đầu được dư luận biết tới từ khi lên làm giám đốc điều hành công ty Xây dựng Huyndai hồi cuối thập niên 1970 cho tới đầu những năm 1990. Trong vòng 11 năm, ông Lee từ một nhân viên bình thường "vụt sáng như sao" và trở thành người giữ vị trí lãnh đạo của một trong những công ty lớn nhất Hàn Quốc.

Ông Lee bước vào chính trường năm 1992, khi ông được bầu vào Hội đồng Quốc gia. Sau đó 4 năm, ông Lee tái đắc cử nhưng đã tự mình từ chức năm 1998 để tranh cử làm thị trưởng thành phố Seoul. Nhưng dù không từ chức thì ông cũng sẽ mất chức bởi hai tháng sau, ông bị buộc tội chi tiêu vượt quá giới hạn cho phép trong đợt vận động bầu cử.

Từ CEO, thị trưởng Seoul lên ngôi vị Tổng thống: Bi kịch sau cuối của Lee Myung-bak - 1
Ông Lee Myung-bak nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc năm 2008. Ảnh: Getty

Trong vài năm sau đó, ông Lee không tham dự vào chính trị và bị cấm tranh cử vào cơ quan hành chính công. Quyền tham gia ứng cử của ông Lee được khôi phục nhờ lệnh ân xá năm 2000 và ông trở lại ngoạn mục vào năm 2002, lên làm thị trưởng thành phố Seoul.

Khi còn giữ chức vụ này, ông Lee đã nhận được nhiều sự ủng hộ vì thúc đẩy nhiều dự án đáng chú ý như phục hồi suối Cheonggye chảy qua trung tâm Seoul và sửa chữa, tối ưu hệ thống giao thông công cộng, cho phép hành khách đổi chặng đi giữa xe buýt và tàu điện ngầm miễn phí hoặc ở mức giá thấp.

Được đà ủng hộ, ông ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2007 và dễ dàng giành chiến thắng với 49% phiếu bầu, vượt xa người về nhì (26% phiếu bầu). Người ta kỳ vọng rằng Lee Myung-bak sẽ giúp nền kinh tế đang chật vật của Hàn Quốc khởi sắc.

Vụ tự sát của người tiền nhiệm

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi ông lên nắm quyền năm 2008, giới lãnh đạo Hàn Quốc vấp phải những thất bại nặng nề. Rất đông người xuống đường biểu tình để phản đối Lee Myung-bak bởi ông quyết định tiếp tục nhập khẩu thịt bò Mỹ dù lúc ấy đang xuất hiện những lo ngại về bệnh bò điên.

Dù nỗi lo về bệnh bò điên có được chứng thực hay không thì vụ việc cũng khiến ông Lee mang hình ảnh của một người lãnh đạo không quan tâm tới dân thường mà chỉ chú trọng những nhân vật có tiền hoặc có quyền. Quan điểm ấy càng sâu sắc khi khoảng cách về thu nhập tăng dần trong khi kinh tế toàn cầu ngày một suy thoái.

Ngoài ra, vụ tự sát của người tiền nhiệm Roh Moo-hyun cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chính quyền Lee Myung-bak.

Ông Roh đã nhảy khỏi vách núi sau ngôi nhà ở nông thôn để tự sát sau khi bị công tố viên thẩm vấn về cáo buộc tham nhũng. Những người ủng hộ ông Roh đã đổ lỗi cho ông Lee làm bẽ mặt người tiền nhiệm bằng một cuộc điều tra và cho rằng chính chuyện này đã dẫn tới vụ tự sát.

Từ CEO, thị trưởng Seoul lên ngôi vị Tổng thống: Bi kịch sau cuối của Lee Myung-bak - 2
Ông Moon Jae-in và ông Roh Moo-hyun. Ảnh: Đảng Dân chủ HQ

Những nghi ngờ về tham nhũng đã gây rắc rối cho ông Lee ngay từ trước khi ông lên làm Tổng thống. Ví dụ như vụ thao túng cổ phiếu lớn liên quan tới Kim Kyung-joon, một trong những đối tác kinh doanh của ông Lee.

Ông Kim, người đứng đầu công ty đầu tư BBK, đã bị buộc tội nhét túi hàng triệu USD nhờ hành động trên. Trong khi đó, ông Lee bị nghi ngờ là chủ nhân thực sự của BKK. Tuy nhiên, cuộc điều tra ở thời điểm đó không tìm thấy chứng cứ nào hậu thuẫn cho cáo buộc này. 

Một trong những nhà đầu tư lớn vào BKK là DAS, công ty phụ tùng ô tô do một trong những anh trai của ông Lee đứng đầu. Người ta cũng nghi ngờ rằng ông Lee mới là chủ của DAS và sử dụng công ty này để làm quỹ đen. Ông Lee còn bị cáo buộc sử dụng quyền lực của Tổng thống để giúp DAS khôi phục khoản đầu tư bị mất từ Kim. 

Ngoài các cáo buộc liên quan tới DAS, ông Lee đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác, gồm cả việc ra lệnh cho cố vấn nhận tiền bất hợp pháp từ cơ quan tình báo quốc gia.

Về phần mình, ông Lee đã lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra là hành động trả đũa chính trị của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, liên quan tới cái chết của cựu Tổng thống Roh. Thân hữu của Lee cho rằng, chính quyền ông Moon, đồng minh của ông Roh, đang tìm cách khiến ông Lee bẽ mặt, tương tự như những gì đã xảy ra khi trước với ông Roh.

Theo Thi Anh (Soha/Thời Đại)

Nổi bật