Chu Vĩnh Khang trong một phiên xét xử |
Từ ngày 12/10 tới nay, 4 đàn em của Chu Vĩnh Khang đã bị kết án tù, gồm Quách Vĩnh Tường (20 năm), Vương Vĩnh Xuân (20 năm), Tưởng Khiết Mẫn (16 năm), Lý Xuân Thành (13 năm). Hai người khác đang trong giai đoạn xử án, gồm Ký Văn Lâm và Lý Đông Sinh. Đợt xử án rầm rộ này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa 18, dự kiến diễn ra từ 26-29/10 tới.
Trưởng thành từ đội địa chất 673, quan lộ hanh thông đã đưa Chu Vĩnh Khang lần lượt qua các chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Bộ trưởng Công an, Bí thư Ủy ban Chính pháp. Dưới tay Khang có tới 4 bang nhóm gồm: Tứ Xuyên, Dầu khí, Chính pháp, Thư ký.
Sau khi Chu Vĩnh Khang ngã ngựa, các thành viên trong 4 bang nhóm này, bao gồm cả những người đã leo rất cao, đã và đang bị “hạ gục”, chịu chung số phận với sếp cũ. Tờ Tân Kinh hôm 14/10 vừa qua đã có bài viết điểm lại số phận của những thuộc hạ cũ của Chu Vĩnh Khang, “con hổ” lớn nhất bị đánh gục trong chiến dịch bài trừ tệ nạn tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Bang Dầu khí: Tưởng Khiết Mẫn, Vương Vĩnh Xuân, Lý Hoa Lâm…
Tưởng Khiết Mẫn nhận án 16 năm tù |
Trong bản cáo trạng Chu Vĩnh Khang có nêu: Khang đã nhận 731,1 ngàn Nhân dân tệ hối lộ của Mẫn; Khang yêu cầu Mẫn và (Lý Xuân) Thành giúp con trai Chu Bân kinh doanh kiếm lợi phi pháp hơn 2,13 tỷ Nhân dân tệ và gây tổn thất cho quốc gia gần 1,5 tỷ Nhân dân tệ. Ngày 12/10, Mẫn đã phải nhận án 16 năm tù, tịch thu tài sản 1 triệu Nhân dân tệ. Bản án nêu lý do Mẫn được xử nhẹ vì “tự thú, tích cực trả lại tang vật”.
Cùng ngày hôm đó, nguyên Phó Tổng giám đốc CNPC Vương Vĩnh Xuân cũng bị tuyên phạt 20 năm tù, tịch thu tài sản cá nhân 2 triệu Nhân dân tệ. Trong bản tuyên án có nêu: năm 2004 dưới sự chỉ đạo của Tưởng Khiết Mẫn, Xuân đã giúp đỡ người khác kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho quốc gia. “Người khác” đó chính là Chu Bân.
Những thành viên khác gồm có: Lý Hoa Lâm, Phó tổng giám đốc CNPC, Nhuế Tân Quyền, Phó chủ tịch HĐQT CNPC, Tổng công trình sư địa chất CNPC Vương Đạo Phúc bị cách ly điều tra từ 29/8/2013 đến nay chưa công bố kết quả; Ôn Thanh Sơn, Tổng kế toán CNPC, Chủ tịch Tập đoàn Năng Nguyên bị bãi chức từ 18/12/2013, bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đưa đi để “phối hợp điều tra”.
Khi tuyên án Chu Vĩnh Khang hôm 11/6/2015, tên của Ôn Thanh Sơn được nhắc đến với tội “đưa hối lộ cho Chu Vĩnh Khang qua vợ chồng Chu Bân”.
Bang Tứ Xuyên: Lý Xuân Thành, Lý Sùng Hỉ, Quách Vĩnh Tường, Đàm Lực
Chu Vĩnh Khang làm Bí thư Tứ Xuyên chưa đầy 3 năm (1999-2002), nhưng khi lên trung ương giữ các chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Bộ trưởng Công an…trở thành quan chức “cấp phó quốc gia”, vẫn tiếp tục nhúng tay vào quan trường Tứ Xuyên. Tháng 1/2015, đương kim Bí thư Tứ Xuyên Vương Đông Minh từng nói: “Chu Vĩnh Khang thọc tay vào nhiều việc ở Tứ Xuyên; không thể xem nhẹ ảnh hưởng xấu xa của ông ta đến không khí chính trị của Tứ Xuyên”.
Lý Xuân Thành tại tòa |
Trong số này, người dính nhiều nhất đến Chu Vĩnh Khang là Lý Xuân Thành. Mức án phạt với Thành rất nhẹ: 13 năm tù, tịch thu tài sản 1 triệu Nhân dân tệ. Lý do được giảm nhẹ được nêu ra là: “khai báo thành thật, lập công lớn, hối lỗi và tích cực nộp trả tang vật”. Chính Lý Xuân Thành sau khi bị bắt đã khai tuốt những mối quan hệ, tội trạng của Chu Vĩnh Khang, giúp cho việc điều tra vụ trọng án này tiến triển thuận lợi.
Quách Vĩnh Tường theo Chu Vĩnh Khang về Tứ Xuyên, được giao giữ các chức phó, rồi Tổng thư ký, Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Sau khi Khang rời Tứ Xuyên vẫn tác động để đưa Tường lên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng. Năm 2009, Tường 60 tuổi, phải nghỉ thì được chuyển sang làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh.
Lý Sùng Hỉ bị ra tòa xét xử từ 11/8/2015, đến nay vẫn chưa tuyên án. Bản khởi tố cho biêt Hỉ đã nhận hối lộ 11,09 triệu Nhân dân tệ, ngoài ra còn mua quan bán chức.
Đàm Lực thì bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương thông báo kết quả điều tra bị nghi phạm các tội nhận hối lộ số tiền lớn, vi phạm “8 điều quy định”, gian dâm phụ nữ và bị Viện Kiểm sát tối cao ra lệnh bắt từ ngày 30/9/2014.
Bang Chính Pháp: Lý Đông Sinh, Vũ Trường Thuận, Chu Bản Thuận
Lý Đông Sinh khi còn đương chức |
Đang công tác trong ngành tuyên huấn, tháng 10/2009, Lý Đông Sinh đột nhiên được điều sang giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Việc này đã gây nên nhiều dị nghị. Tân Kinh Báo cho biết, Sinh quen biết Khang từ một bữa tiệc do đoàn đại biểu quốc hội và mặt trận Tứ Xuyên tổ chức. Mối quan hệ này dẫn đến việc Khang lấy Giả Hiểu Diệp ở CCTV và những lùm xùm với những người dẫn chương trình (MC) khác…
Vũ Trường Thuận có mối quan hệ rất gắn bó với Chu Vĩnh Khang, được Khang ưa thích và nâng đỡ. Ngày 13/2/2015, Thuận đã bị xử lý kỷ luật và bị Viện Kiểm sát tối cao bắt giam điều tra.
Ngoài ra, ngày 24/7/2015, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương ra thông báo điều tra Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận. Thuận vốn là người luôn bên cạnh Khang 10 năm với tư cách Phó, Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp, năm 2013 được điều về Hà Bắc sau. Cho đến nay, Chu Bản Thuận đã bị điều tra gần 3 tháng nhưng vẫn chưa công bố kết quả.
Quách Vĩnh Tường trước vành móng ngựa |
Tất cả những người này đều từng là thư ký của Chu Vĩnh Khang trong các giai đoạn khác nhau: Lý Hoa Lâm (1988-1992), Thẩm Định Thành (1992-1998), Ký Văn Lâm (1998-2008), Quách Vĩnh Tường (2000-2002), Dư Cương và Đàm Hồng (2008-2012).
Trong 6 người trên, Quách Vĩnh Tường đã bị kết án, Ký Văn Lâm đang bị xét xử từ hôm 13/10 về tội nhận hối lộ 20,46 triệu Nhân dân tệ. Sau khi làm thư ký cho Khang, Lâm được điều về làm Chánh văn phòng Bộ Tài nguyên đất đai, sau đó đi Hải Nam làm Phó tỉnh trưởng.
Theo Ngô Tuyết (VietNamNet)