Kết quả trích xuất dữ liệu hộp đen đã cho thấy, chiếc Tu-154 Nga bị rơi xuống Biển Đen hôm 25/12 do trục trặc kỹ thuật ở bộ phận cánh tà.
Chưa đầy một ngày sau khi tìm thấy chiếc hộp đen chính của máy bay Tu-154 gặp nạn, các nhà điều tra Nga đã mở và trích xuất dữ liệu, cho thấy một phát hiện quan trọng giúp họ xác định nguyên nhân dẫn đến thảm họa chiếc máy bay rơi xuống Biển Đen.
Ngày 25/12, chiếc máy bay quân sự nhãn hiệu Tu-154, xuất phát từ sân bay Adler ở Sochi lúc 5h20 (9h20 - giờ Hà Nội), trên đường đến tỉnh Latakia của Syria, đã bị rơi ngay sau khi cất cánh chỉ khoảng 7 phút, khiến 92 người, gồm 8 thành viên phi hành đoàn và 84 hành khách thiệt mạng.
Khoảng 13h30 (giờ Hà Nội), truyền thông Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho hay, thi thể hành khách đầu tiên và những mảnh vụn đầu tiên của chiếc máy bay Tu-154 gặp nạn đã được tìm thấy trên Biển Đen (Black Sea) cách 1,5km gần Sochi, ở độ sâu 50-70m.
Hiện công cuộc tìm kiếm thi thể các nạn nhân vẫn đang diễn ra, với sự tham gia của 45 tàu thuyền, 15 tàu lặn, 192 thợ lặn, 5 trực thăng, cùng khoảng 3.500 nhân lực khác.
Cho tới thời điểm hiện tại, mới có khoảng 13 thi thể nạn nhân được tìm thấy. Nhà chức trách Nga cho biết rằng, đa số các thi thể vẫn còn mắc kẹt trong khoang máy bay hiện đang chìm sâu dưới lòng biển.
Hãng thông tấn Interfax dẫn một nguồn tin từ cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay Tu-154 cho biết, các dữ liệu thu được từ các hộp đen của máy bay cho thấy các cánh tà của máy bay đã gặp sự cố, dẫn tới không thể vận hành song song với nhau (giữa 2 bên cánh), trước thời điểm máy bay rơi.
Tờ Life News dẫn nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết, trong đoạn ghi âm buồng lái cuối cùng trước khi tai nạn xảy ra, một thành viên phi hành đoàn máy bay Tu-154 gặp nạn đã hét lớn “Cánh tà, chết tiệt! Thưa chỉ huy, chúng ta đang lao xuống!”.
Cánh tà thuộc hệ thống cánh nâng của máy bay, nằm ở phía sau cánh nâng chính, giáp với phần thân máy bay, dùng để tăng lực nâng chính và giảm tốc độ cho máy bay. Chuyển động của cánh tà 2 bên có thể giống nhau hoặc khác nhau tùy loại máy bay và điều kiện bay.
Các cánh tà có thể thu vào trong cánh chính hoặc đẩy dài ra, ngoài ra còn có thể chúc xuống phía dưới. Chuyển động chúc xuống hoặc kéo dài ra của cánh tà nhằm tăng lực nâng (đồng thời làm tăng lực cản, giảm tốc) khi máy bay cất hạ cánh.
Do sự cố trục trặc đối với 2 cánh tà, chiếc máy bay đã không thể đạt tới tốc độ cần thiết và không thể nâng độ cao và bị rơi xuống biển. Hiện các nhà điều tra đang giải mã tiếp các dữ liệu hộp đen và chờ trục vớt phần thân máy bay để xác định xem điều gì đã xảy ra với những cánh tà của nó.
Máy bay Tu-154 Nga rơi do trục trặc kỹ thuật ở bộ phận cánh tà |
Đã hết thời của Tu-154?
Theo tuyên bố của các quan chức Nga, chiếc Tu-154 đã bay 33 năm, với tổng số giờ bay là 6.689 giờ. Nó đã trải qua đợt đại tu gần nhất là vào tháng 12 năm 2014, đến hồi tháng 9 năm nay, máy bay tiếp tục trải qua công tác bảo trì thường xuyên theo kế hoạch.
Theo các quan chức Nga, thời hạn 33 năm hoạt động chưa phải là quá dài đối với loại máy bay này. Chiếc Tu-154 cũng chưa đạt tới 7000h bay, còn dự trữ một nửa số giờ bay nữa. Hơn nữa, Bộ quốc phòng Nga khai thác máy bay rất ít nên chiếc Tu-154 chưa được coi là quá hạn.
Tuy nhiên, vụ rơi máy bay Tu-154 trên Biển Đen sáng ngày 25/12 một lần nữa cho thấy sự không an toàn của loại máy bay từng được coi là xương sống trong ngành vận tải hàng không Nga và từng được trang Global Security mô tả như "chiếc phà" của ngành hàng không Nga.
Tuy có những ưu điểm, nhưng chiếc máy bay của Hãng Tupolev bị đánh giá là mẫu máy bay không an toàn. Nó bị Business Week xếp hạng thứ 3 trong số các máy bay nguy hiểm nhất, đứng thứ 2 là chiếc máy bay vận tải quân sự Il-76 cũng của Nga và đứng đầu là chiếc Boeing 737 của hãng Boeing Mỹ.
Còn trang Aviation Safety Network cũng chỉ ra rằng, chỉ sản xuất tổng số hơn 1000 chiếc nhưng Tu-154 có liên quan đến 110 tai nạn nghiêm trọng (trong đó 68 chiếc hoàn toàn không thể sửa chữa) gây ra do khủng bố, chiến sự, thời tiết, điều kiện đường băng, lỗi của phi công, bảo dưỡng kém.
Trong khi đó, máy bay Boeing 737 mặc dù đứng đầu thế giới về số lượng tai nạn nhưng số lượng sản xuất của nó hơn chiếc máy bay Nga tới 7 lần (hơn 7.000 chiếc được sản xuất).
Những vụ tai nạn đáng chú ý của Tu-154 gồm vụ rơi máy bay chở tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski ngày 10/4/2010 gần thành phố Smolensk (Nga) khiến toàn bộ 96 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là do trục trặc máy bay và cả lỗi của phi công.
Hoặc từ năm 2002 đến nay đã có 4 vụ tai nạn đã diễn ra ở Iran với những chiếc Tu-154, điển hình là vụ tai nạn diễn ra vào ngày 15/7/2002, khi một chiếc Tu-154 của hãng hàng không Caspian Air gặp nạn trong hành trình từ Tehran tới Yerevan, làm 168 người chết.
Cục hàng không liên bang Nga vào tháng 3/2011 phải đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng máy bay Tu-154 để chở khách nhưng điều này không ngăn cản được một số nước, trong đó có Nga vẫn đang sử dụng. Tính đến đầu năm 2012, vẫn có 104 chiếc Tu-154 hoạt động trên toàn thế giới.
Nhưng sau vụ trục trặc kỹ thuật máy bay, khiến toàn bộ đoàn ca múa quân đội Nga Alexandrov và một vài hành khách nổi tiếng như nhà từ thiện Elizavyeta Glinka (bác sĩ Liza), ông Alexandr Khalimov - giám đốc Đoàn ca múa quân đội Alexandrov và ông Anton Gubankov - Cục trưởng Cục Văn hóa Bộ Quốc phòng, chiếc máy bay này có lẽ sẽ nhanh chóng bị ngừng sử dụng.
Theo Huy Bình (Đất Việt)