TT Putin khéo léo tung đòn phân hóa nội bộ EU nhờ sách lược 'bên trọng, bên khinh'

21/08/2018 08:58:17

Phản ứng của dư luận và chính giới trước chuyến công du của ông Putin tại Áo và Đức trong những ngày vừa qua đã chứng tỏ EU phân rẽ sâu sắc về cả chính sách và quan hệ với Nga.

TT Putin khéo léo tung đòn phân hóa nội bộ EU nhờ sách lược 'bên trọng, bên khinh'
Ảnh: Steffen Kugler/ Bundesregierung

Riêng chung pha trộn

Trong những ngày vừa qua, chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Nga Vladimir Putin làm chính trường châu lục sôi động, mà lại còn chủ yếu bởi chuyện riêng của ông Putin ở Áo chứ không phải chuyện công của ông này ở Đức.

Ông Putin đi Đức để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng trước đó ghé qua Áo tham dự lễ cưới của nữ Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl. Chuyện riêng tư và không chính thức của ông Putin hiện lại rất nhạy cảm về cả chính trị đối nội lẫn đối ngoại đối với EU.

Chính phủ Áo hiện tại với Thủ tướng Sebastian Kurz không thật sự cùng hội cùng hội cùng thuyền với bà Merkel trong không ít vấn đề thời sự cấp thiết hiện tại của EU.

Bà Kneissl không thuộc đảng phái chính trị nào ở Áo, nhưng lại được Đảng Tự do Áo đề cử đảm trách cương vị Ngoại trưởng trong chính phủ liên hiệp với đảng của ông Kurz.

Đảng của ông Kurz về cơ bản cùng tần số chính trị và ý thức hệ với đảng của bà Merkel. Nhưng Đảng Tự do Áo là một đảng phái cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa, thù địch người nước ngoài và không thân thiện với EU ở Áo.

Từ nhiều năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Áo và Nga thuận lợi chứ không trắc trở như mối quan hệ giữa Đức và Nga trong bối cảnh tình hình chung là quan hệ giữa EU và Nga căng thẳng, bất chấp việc bà Merkel và ông Putin vẫn thường xuyên gặp nhau hay trao đổi qua điện thoại với nhau.

Theo số liệu công bố chính thức của chính phủ Đức, từ năm 2013 đến nay, hai người này đã gặp nhau cả thảy 15 lần và đã trao đổi với nhau 54 lần qua điện thoại.

Chính phủ Áo rất muốn đảm trách vai trò trung gian hòa giải giữa EU và Nga trong ý đồ chiến lược chung là gây dựng vai trò lớn hơn trong EU, tập hợp lực lượng mới trong nội bộ EU để đẩy lùi sự lấn át và lấn lướt của nhóm những thành viên vốn vẫn luôn được coi hoặc tự nhận thuộc diện "tai to mặt lớn" trong EU.

Bối cảnh tình hình đặc biệt như thế trong mối quan hệ của Nga với Áo, Đức và EU cũng như giữa Áo với Đức và EU đã pha trộn chuyện riêng và việc công của ông Putin với chuyến công du này thành sự kiện chính trị đặc biệt ở châu Âu.

TT Putin khéo léo tung đòn phân hóa nội bộ EU nhờ sách lược 'bên trọng, bên khinh' - 1
Tổng thống Vladimir Putin khiêu vũ cùng Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl. Ảnh: Sputnik.

Đòn tâm lý với EU

Dư luận của công chúng và chính giới về vụ việc này phản ánh mức độ phân rẽ sâu sắc trong nội bộ EU về chính sách đối với Nga và quan hệ của EU với Nga.

Nó cho thấy EU tuy gây khó khăn cho Nga với những biện pháp trừng phạt nhưng lại vẫn bế tắc trong đối sách đáp trả hiệu quả những biện pháp chính sách cụ thể của Nga nhằm vào nội bộ EU, làm EU suy yếu và bị động thông qua phân hóa nội bộ EU, thông qua sách lược "bên trọng bên khinh", tách bạch để tạo nghịch cảnh giữa một bên tranh thủ tối đa, một bên lại hời hợt và hình thức. 

Ông Putin dùng chuyện riêng làm việc công. Sự tham gia ngắn ngủi, những lời chúc mừng bằng tiếng Đức, một điệu nhảy với cô dâu và màn trình diễn của đoàn nghệ thuật Cossack sông Đông đủ để thấy ông Putin coi trọng Áo như thế nào và không giấu giếm chủ trương tranh thủ ở Áo.

Thực tế này gây tương phản rất rõ rệt và với hàm ý rất sâu sắc thực trạng mức độ quan hệ hiện tại giữa Nga với EU nói chung và giữa Nga với Đức nói riêng.

Cuộc trao đổi kéo dài 3 tiếng đồng hồ giữa ông Putin và bà Merkel ở Đức có chương trình nghị sự với nội dung rất đồ sộ, bao quát đủ hết mọi vấn đề thời sự hiện tại của châu lục và thế giới. Nhưng kết quả đạt được lại gần như không có gì ngoài một vài nhất trí chung chung nhưng không khả thi.

EU và Nga găng nhau nhưng vẫn rất cần đến nhau. Gần như tất cả các vấn đề chính trị an ninh đang thách thức EU đều nằm ngoài tầm khả năng giải quyết của EU nếu không có sự hậu thuẫn và tham gia của Nga.

Quan điểm chính sách cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt đối với EU, NATO và Nga, đã khiến EU và NATO không thể không quan ngại sâu sắc và có lý do để phòng ngừa - cũng như ngăn chặn khả năng Mỹ và Nga thiết lập cơ chế hợp tác riêng xử lý tất cả những vấn đề của châu lục và thế giới.

Vì thế mà ông Putin vừa giữ được cầu quan hệ với EU vừa duy trì được vị thế trong quan hệ với EU. Sự pha trộn giữa chuyện riêng và việc công đã có hiệu ứng cộng hưởng đối với ông Putin.

Theo Đại Sứ Trần Đức Mậu (Soha/Trí Thức Trẻ)