Trước khi Thế chiến II (1939 - 1945) bùng nổ, giới khoa học Đức đã có phát hiện mang tính cách mạng làm thay đổi mãi mãi sức mạnh của vũ khí về sau: Nguyên tố hóa học Urani khi bị bắn phá có thể giải phóng nguồn năng lượng cực lớn.
Được phát hiện cách đây 229 năm bởi nhà bác học người Đức Martin Heinrich Klaproth (1743-1817), Urani sớm trở thành nguồn "nguyên liệu vàng" để Mỹ săn tìm nhằm bí mật chế tạo siêu vũ khí có khả năng hủy diệt lớn.
Trước khi Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989) với Liên Xô nổ ra, mục đích của Mỹ khi chế tạo vũ khí nguyên tử (sau khi hay tin tình báo Đức đang chế tạo loại bom hủy diệt năm 1939) là nhằm đập tan sức mạnh mà trùm phát-xít Adolf Hitler ấp ủ dùng siêu vũ khí này nuôi mộng bá vương.
Quả nhiên, Mỹ thành công! Và đi trước Hitler một bước khi với Dự án Manhattan (Manhattan Project), Mỹ sản xuất và cho thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại mang mật danh "The Trinity" ngày 16/7/1945 (mật danh này do Julius Robert Oppenheimer, một trong số những "cha đẻ của bom nguyên tử" thuộc Dự án Manhattan, đặt cho).
Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Một năm sau, Mỹ và Liên Xô đối đầu nhau trong cuộc chiến mới - không đổ máu trên chiến trường nhưng lại khiến hai bên tiêu tốn hàng tỷ USD cho các cuộc chạy đua về vũ khí, công nghệ, không gian.
Bước vào Chiến tranh Lạnh ở vị thế không mấy cân bằng với Mỹ trong cuộc đua về vũ khí hủy diệt, Liên Xô tất yếu tức tốc nghiên cứu nhằm sản xuất cho kỳ được loại bom hủy diệt mà người Mỹ đã từng có được chỉ cách đó 1 năm.
Lúc này, nguyên tố Urani với thuộc tính phóng xạ cao trở thành "con át chủ bài" trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ - Liên Xô. Cả hai đều dốc sức bí mật sản xuất và thử nhiều quả bom nguyên tử có mức độ mạnh, nhẹ khác nhau.
Riêng đối với Mỹ, chỉ tính từ năm 1946 đến 1958, nước này đã thử nghiệm thành công 23 quả bom hủy diệt mức độ tàn phá khác nhau.
Đứng trước một nước Mỹ có xuất phát điểm vượt trội hơn, giới lãnh đạo Liên Xô hiển nhiên thấy sốt ruột. May mắn cho Liên Xô, nhờ khai thác được gần 10.000 tấn quặng Urani ở Mailuu-Suu (miền nam Kyrgyzstan) trong vòng 22 năm từ 1946 đến 1968, giới khoa học nước này có thể chuyên tâm chế tạo vũ khí hủy diệt.
Bao nỗ lực về sức người và tiền của Liên Xô không hề đổ xuống sông xuống biển, khi vào tháng 8/1949 (4 năm sau ngày Mỹ mở ra bình minh kỷ nguyên nguyên tử của nhân loại), Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nước mình.
Khi thế cờ trong cuộc đua hủy diệt với Mỹ đã phần nào cân bằng, Liên Xô thừa thắng xông lên. Chỉ 12 năm tiếp theo, Liên Xô vượt mặt Mỹ để trở thành "Siêu cường hạt nhân" sau sự kiện quả "bom vua" mạnh nhất hành tinh mang mật danh bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) thử thành công ngày 30/10/1961.
Với sức mạnh tương đương 57 triệu tấn TNT*, bom Sa Hoàng trở thành vũ khí nguyên tử mạnh nhất, lớn nhất, có sức hủy diệt khủng khiếp nhất từng được thử nghiệm trong lịch sử loài người tính cho đến nay.
Ngày 10/7/1961, lãnh đạo Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov đã tập hợp các nhà khoa học hạt nhân ưu tú và truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng: Liên Xô sẽ chế tạo quả bom hủy diệt cực lớn nhằm thể hiện năng lực hạt nhân "không thể làm ngơ" trước các nước đế quốc.
Liên Xô nói được và đã làm được với sự kiện ngày 30/10/1961!
Gói gọn trong Chiến tranh Lạnh, chỉ tính riêng trong cuộc đua vũ khí hạt nhân, cả Mỹ và Liên Xô đều là hai cường quốc khiến cả thế giới đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Nếu như Liên Xô chậm chân một chút so với Mỹ để nước này mở ra buổi" bình minh của kỷ nguyên nguyên tử" thì cũng chính Liên Xô lại là nước nhanh chóng vùi dập "ánh bình minh" ấy để trở thành "bá vương hạt nhân" thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Câu chuyện về quả bom nguyên tử có sức công phá mạnh nhất trong lịch sử loài người từng khiến báo giới phương Tây tốn rất nhiều giấy mực thời đó. Thậm chí, đến tận ngày nay, người ta vẫn không ngừng nói về nó.
Bom Sa Hoàng mạnh! Lẽ dĩ nhiên... Sức hủy diệt tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ TNT của nó đến từ nguồn năng lượng mạnh gấp 3.000 lần quả bom "Little Boy" mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945; Hay gấp 10 lần sức mạnh tổng hợp của tất cả các chất nổ được sử dụng trong Thế chiến II.
Quả cầu lửa sinh ra sau khoảnh khắc bom Sa Hoàng phát nổ có đường kính lên tới 8.000m!; Đám mây nấm sinh ra từ vụ nổ cao 64.000m; Sóng xung kích phát ra trên khắp thế giới.
Sức mạnh của quả "bom quái vật" (theo cách gọi của BBC) này người ta đã bàn đến không ít lần. Tuy nhiên, câu chuyện về địa điểm thử quả bom khổng lồ này lại ít được nhắc đến.
Vậy, bom Sa Hoàng được thử ở khu vực nào trên Trái Đất?
Thay vì chọn bãi thử Semipalatinsk, mật danh là "The Polygon - Đa giác", nơi diễn ra 473 vụ nổ hạt nhân trong thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô chọn quần đảo hình lưỡi liềm Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương để "gửi vàng".
Novaya Zemlya trở thành địa điểm thực hiện các vụ nổ thử nghiệm hạt nhân lớn nhất thế giới sau khi Liên Xô xác định rằng địa điểm thử nghiệm ở Kazakhstan "quá sức" để thử nghiệm vụ nổ hạt nhân lớn (vì nó không hẻo lánh và ít người sinh sống như Novaya Zemlya).
Kết quả, từ năm 1955 đến 1990, Liên Xô đã cho nổ 224 vụ thử hạt nhân tại Novaya Zemlya, với tổng đương lượng nổ bằng 265 triệu tấn TNT.
11:32' sáng ngày 30/10/1961 (giờ Moskva)...
Thiếu tướng Liên Xô Andrei Durnovtsev, người lái máy bay ném bom Tupolev Tu-95, thả quả bom Sa Hoàng nặng 27 tấn phía trên vịnh Mityushikha (quần đảo Novaya Zemlya). Trong chớp mắt, vụ nổ tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ, ánh sáng của nó có thể nhìn thấy cách tâm nổ 1.000km!
Bom Sa Hoàng san bằng mọi thứ bên dưới nó. Cỏ cây, đất đá, và sinh vật sống đều bị nung chảy và thổi bay sau khoảnh khắc nó phát nổ.
Trong bán kính 100km tính từ tâm vụ nổ, sức nóng của nó vẫn có thể gây bỏng lên người cấp độ 3; Thậm chí, sóng xung kích cách tâm nổ 900km cũng có thể phá vỡ cửa kính của các ngôi nhà**. Bụi phóng xạ từ vụ nổ bom Sa Hoàng phát tán toàn cầu...
Lẽ dĩ nhiên, trước khi vụ thử được tiến hành, Liên Xô đã tiến hành sơ tán khoảng 500 người dân du mục và đàn tuần lộc khổng lồ khỏi khu vực cho nổ.
Tuy nhiên, một thực tế cay đắng mà theo tài liệu của Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) đã chỉ ra rằng: Việc thử bom hạt nhân tại quần đảo Novaya Zemlya đã biến nơi đây thành khu vực ô nhiễm phóng xạ nhân tạo lớn nhất ở Bắc Cực.
CTBT cho biết, đến tận ngày nay, hệ quả của việc thử bom nguyên tử trên quần đảo hình lưỡi liềm đã gây ô nhiễm phóng xạ nặng nề không chỉ trên lãnh thổ Liên Bang Nga mà còn ở Alaska (tiểu bang của Mỹ) và miền bắc Canada.
Chưa dừng ở đó, đất nước Na Uy cách quần đảo khoảng 900km cũng hứng chịu rất nhiều bụi phóng xạ. Hiện tại, chính quyền nước này rất lo lắng về việc biển Barents, một trong những khu vực đánh bắt chủ yếu của Na Uy, cũng bị hủy diệt bởi phóng xạ từ trong quá khứ.
----
Sau cuộc chạy đua giành vương vị về vũ khí hủy diệt trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ và người Liên Xô phần nào chuyển hướng sang cuộc đua chinh phục vũ trụ (thập niên 1960, 1970 là khoảng thời gian nhân loại chứng kiến những phát kiến vũ trụ mạnh mẽ nhất lịch sử trong thời kỳ đó).
Một phần nhờ thế, cho đến nay, bom Sa Hoàng của Liên Xô vẫn là quả bom nguyên tử lớn nhất từng được thử nghiệm trong lịch sử nhân loại.
Mặc dù chiến tranh hạt nhân chưa từng xảy ra trên thế giới, tuy nhiên, sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân đến từ chính các vụ nổ thử, và nó vẫn đang ngấm ngầm hủy hoại môi sinh, môi trường và sức khỏe con người vì chính tính chất "cách mạng" của nó: Tính phóng xạ!
Theo Trang Ly (Soha/Helino)