Hãng NBC dẫn nguồn tin quan chức chính phủ và nguồn tin từ quốc hội nước này cho biết Mỹ đã lần đầu tiên chuyển hàng trăm tên lửa phòng không cho Ukraine, bao gồm khoảng 200 tên lửa được bàn giao hôm 27/02.
Hồi đầu năm, Mỹ đã bật đèn xanh cho các nước Baltic, bao gồm Lithuania, Latvia và Estonia gửi vũ khí do Mỹ sản xuất mà họ sở hữu cho Ukraine, trong đó có tên lửa Stinger.
Tuy vậy cho tới thời điểm này chính quyền tổng thống Joe Biden chưa gửi tên lửa Stinger trực tiếp cho Ukraine, dù đã cung cấp các loại vũ khí sát thương khác.
Một số nghị sĩ quốc hội Mỹ trong nhiều tháng gần đây đã kêu gọi gửi thêm tên lửa Stinger cho Ukraine. Ukraine cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ thêm vũ khí, bao gồm vũ khí phòng không và chống tăng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 02/03 nói với các phóng viên rằng Ukraine vẫn sẽ có thể nhận "thiết bị quân sự phòng thủ quan trọng" mà họ cần.
Mỹ đã sản xuất nhiều thế hệ tên lửa Stinger. Các quan chức nước này được cho là không muốn cung cấp thế hệ mới nhất cho Ukraine, do lo ngại khả năng rơi vào tay Nga và bị đánh cắp công nghệ.
Hồi đầu tuần, Đức thông báo sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine, trái ngược với quan điểm trước đó rằng họ sẽ không gửi vũ khí tới nước này.
Trước đó, hôm 26/02, Bỉ thông báo hỗ trợ 2.000 súng máy và 3.800 tấn nhiên liệu cho quân đội Ukraine.
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết đã gửi súng bắn tỉa và mũ bảo hộ, trong khi 200 tên lửa Stinger sẽ được gửi đi "sớm nhất có thể".
CH Séc gửi 30.000 súng ngắn, 7.000 súng trường, 3.000 súng máy, hàng chục súng bắn tỉa và một triệu hộp đạn.
Tuy vậy, giới chuyên gia lo ngại về việc các nước phương Tây sẽ gửi vũ khí cho Ukraine như thế nào và phân phối ra sao.
"Việc gửi hỗ trợ cho trên thực tế rất khó khăn. Điều đó đòi hỏi đầu tư hạ tầng pháp lý và chính trị để duy trì, cũng như chuỗi cung ứng hậu cần để lực lượng tiếp nhận có thể sử dụng," John Raine, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho biết.
Hà An (Nguoiduatin.vn)