The Drive cho rằng, máy bay chiến đấu Su- 57 "vẫn chưa sẵn sàng để sản xuất hàng loạt" vì những vấn đề về động cơ đã tồn tại từ lâu mà chưa được giải quyết.
Để lý giải cho nhận định trên, The Drive đưa ra một số điểm hạn chế khi sản xuất của Su-57 sau:
Thứ nhất, điểm yếu nghiêm trọng nhất đến lúc này vẫn nằm ở động cơ, khi Su-57 vẫn đang phải dùng tạm loại "AL-41F1S" của Su-35, khiến nó không thể bay hành trình siêu âm cũng như che giấu tín hiệu hồng ngoại.
Thứ hai, động cơ chuẩn thế hệ 5 "Izdeliye 30" hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng tiến độ rất chậm chạp, nó không kịp hoàn thành để trang bị cho lô Su-57 sản xuất hàng loạt đầu tiên.
Thứ ba, những khó khăn tài chính của chương trình Su-57, do Ấn Độ từ chối hợp tác với Nga trong việc chế tạo máy bay chiến đấu chung của thế hệ thứ năm, vì vậy, dự đoán chi phí sản xuất sẽ rất cao trong khi điều kiện nhu cầu máy bay thấp.
Thậm chí mới đây, hồi giữa tháng 7.2018, Thứ trưởng Quốc phòng Nga ông Yuri Borisov còn cho biết: "Nga không có kế hoạch sản xuất số lượng lớn tiêm kích Su-57".
Được biết, Su-57 theo kế hoạch, được thiết kế để thay thế những chiếc MiG-29 Fulcrum và Su-27 Flanker biên chế trong các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
Thông số kỹ thuật: Su-57 có thể mang theo tối đa 10 tấn vũ khí, có khả năng bay siêu tốc với vận tốc tối đa 2.600 km/giờ (tầm bay đối đa 5.500 km), nhanh hơn cả máy bay chiến đấu tối tân của Mỹ F-22 Raptor (2.410 km/giờ), có thể phát hiện mục tiêu tấn công ở khoảng cách tối đa 400 km.
Theo Phong Lâm (Lao Động)