Hôm 27/2, một ngày sau khi không quân Ấn Độ tấn công các mục tiêu tại thị trấn Balakot thuộc khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, nhà báo nổi tiếng Faye D'Souze đăng dòng tweet: "Chúng tôi sẽ làm chậm quá trình cập nhật tin tức và chỉ đưa lên những gì đã được xác nhận. Khán giả có thể sẽ thấy chúng tôi đưa tin chậm hơn các đài khác".
Trước đó hôm 26/2, người dẫn chương trình của đài NDTV, ông Nidhi Razdan, cũng viết trên Twitter: "Chúng ta có thể bình tĩnh lại được không? Sự leo thang sẽ không giúp ích cho cả hai nước. Trước tiên, hãy ngừng xem tivi và đọc Twitter của cả hai bên. Chúng ta sẽ minh mẫn hơn".
Cô D'Souze và ông Razdan là hai trong số ít những nhân vật truyền thông có tầm ảnh hưởng tại Ấn Độ đã đưa ra những lời khuyên hợp lý trong lúc căng thẳng quân sự đang diễn ra giữa nước này và Pakistan, theo South China Morning Post.
Hầu hết báo chí và truyền thông Ấn Độ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi trích dẫn những "nguồn tin" của họ và đưa ra những thông tin không chính xác về kết quả cuộc không kích hôm 26/2. Họ đưa tin 200-300 tên khủng bố đã bị tiêu diệt trong đợt không kích này, và trại huấn luyện lớn nhất của nhóm vũ trang Jaish-e-Mohamed (JeM) đã bị phá hủy.
Chính phủ Ấn Độ không đưa ra xác nhận chính thức nào về thông tin trên. Tuy nhiên vào ngày hôm sau, hãng tin Reuters đưa tin từ Balakot, cho biết vụ tấn công chỉ làm một người bị thương, làm hư hỏng một căn nhà, tạo ra 4 cái hố dưới mặt đất và khiến vài cái cây bị đổ.
Đến ngày 28/2, hãng Al Jazeera xác nhận những thông tin của Reuters, và nói thêm rằng người duy nhất bị thương là do một mảnh đạn pháo văng vào trán.
Phóng viên không được phép tiếp cận khu vực được coi là trại huấn luyện của JeM nhưng người của Reuters và Al Jazeera đã kiểm tra các bệnh viện địa phương và được cho biết không có thi thể nào được đưa tới.
Reuters cũng phỏng vấn một số người dân địa phương và nhân viên ngoại giao phụ trách khu vực. Những người này nói rằng trại huấn luyện JeM đã không hoạt động trong vài năm trở lại đây, và khu vực đó đang là một trường học có liên kết với JeM.
Reuters cập nhật thông tin về vụ việc vào ngày 28/2, cho biết trường hợp duy nhất được xác nhận thiệt mạng trong vụ tấn công là một con quạ.
Đến ngày 3/3, ông S.S Ahluwalia, thành viên quốc hội thuộc đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP), đăng tải một đoạn video trên Facebook, xác nhận không có thương vong nào trong vụ tấn công của không quân Ấn Độ. Ông nói thêm rằng mục tiêu của vụ tấn công không phải là gây ra thương vong, mà để cho Islamabad thấy Ấn Độ có thể tấn công những mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan.
Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông Ấn Độ phóng đại một cách quá đà kết quả những cuộc tấn công của quân đội nước này vào Pakistan. Vào tháng 9/2016, chính phủ Ấn Độ thực hiện một cuộc "tấn công phẫu thuật" vào Pakistan để đáp trả một vụ tấn công khủng bố trước đó tại khu vực Uri, thuộc bang Jammu và Kashmir, khiến 19 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin vụ tấn công khiến 35-80 người thương vong. BBC sau đó nói chỉ có 2 lính Pakistan chết trong khi tạp chí Economist cho biết không có binh sĩ nào của Pakistan thiệt mạng, nhưng có khoảng 10 trường hợp dân thường tử vong. Các con số này đều thấp hơn rất nhiều so với những gì truyền thông Ấn Độ đưa ra.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng bùng nổ sau vụ tấn công liều chết hôm 14/2, nhắm vào đoàn xe quân sự Ấn Độ tại khu vực Kashmir mà nước này kiểm soát, khiến 40 binh sĩ thiệt mạng. Đây là vụ tấn công vũ trang đẫm máu nhất trong 3 thập kỷ qua tại vùng tranh chấp mà Ấn Độ và Pakistan chia nhau quản lý.
Không quân Ấn Độ ngày 26/2 tiến hành không kích các mục tiêu mà họ nói là thuộc nhóm vũ trang JeM tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, đáp trả vụ tấn công đẫm máu.
Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)