Một khi đã vào khuôn viên trường, người biểu tình sớm phải đối mặt với một lựa chọn duy nhất: ở lại bên trong cho đến khi hết nguồn nhu yếu phẩm và đầu hàng cảnh sát, hoặc trốn thoát khỏi vòng vây của cảnh sát.
Giới chức Hong Kong cáo buộc những người biểu tình biến PolyU và các trường đại học khác thành những "nhà máy vũ khí" và lập các hàng rào quanh khuôn viên trường nhằm ngăn chặn bước tiến của cảnh sát.
Tại trường Đại học Bách khoa, lực lượng an ninh Hong Kong đã thiết lập các vòng vây bao quanh trường và sẵn sàng bắn hơi cay và xịt vòi rồng về phía người biểu tình nếu có bất cứ hành vi chống trả nào.
Hàng trăm người biểu tình đã bị mắc kẹt và có không ít người tìm cách đào tẩu khỏi hiện trường. Nhà chức trách Hong Kong cho biết họ đã bắt giữ được 1.100 người - 600 người trong số đó tự nguyện đầu hàng. Những nười biểu tình sẽ bị bắt nếu họ trên 18 tuổi, trẻ vị thành niên sẽ được cho tại ngoại, cảnh sát Hong Kong cho biết.
Đến sáng thứ Ba, bạo lực đã lắng xuống và chỉ còn một số ít người biểu tình vẫn cố thủ tại PolyU.
Tại một trong những lối vào của khuôn viên trường, không khí đặc quánh mùi rác rưởi và và mùi xăng. Hàng nghìn quả bom xăng chưa sử dụng nằm la liệt khắp khuôn viên trên đường đến nhà ăn, nơi đã trở thành một trụ sở chính của người biểu tình, theo ghi nhận của CNN.
Chỉ có khoảng 50 người vẫn ở lại cho tới thứ Ba, những người này tỏ ra hết sức mệt mỏi sau nhiều ngày căng thẳng.
Một thanh niên 18 tuổi cho biết mình đến PolyU từ 3 ngày trước. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào thứ Ba.
"Ở ngoài kia đang ngày càng có ít người, số lượng người biểu tình bên trong cũng đang giảm dần. Tôi không thể ngủ ngon bởi lo sợ cảnh sát có thể ập vào bất cứ lúc nào. Tôi rất mệt mỏi. Tôi đang cố gắng hết sức để tìm lối thoát, mặc dù biết rằng cơ hội này ngày càng thu hẹp", thiếu niên cho biết.
Trở lại bên ngoài, một số người biểu tình đã cố gắng nhảy qua một đường cao tốc gần hồ bơi, nơi đã bị bỏ trống và được sử dụng để thực hành ném bom xăng.
Người biểu tình đã biện minh rằng việc sử dụng vũ khí này nhằm cản chân lực lượng an ninh, nhưng chính quyền nói rằng hành động của họ là nguy hiểm và có thể gây chết người.
Tại hiện trường, một người đàn ông tên Chiu và tự nhận là bác sĩ phẫu thuật, ông cùng một nhóm tình nguyện viên đã tới đây từ 2 ngày trước và chữa trị cho không ít người biểu tình bị thương.
"Tôi đã thấy rất nhiều người sơ cứu và người biểu tình bật - tất cả đều khóc, khi chứng kiến những vết thương. Tôi hy vọng thế hệ thanh niên này có thể tránh được trải nghiệm này. Họ không nên gánh vác trách nhiệm kiểu này", ông Chiu nói.
Nhưng Chiu cũng nói rằng điều quan trọng là phải đồng cảm với lực lượng cảnh sát Hong Kong, những người cũng chịu không ít lời phê phán và cáo buộc lạm dụng bạo lực.
"Họ đã phải làm việc dưới áp lực cực lớn trong nhiều tháng qua", bác sĩ Chiu nói.
Theo ước tính của tờ South China Morning Post, vẫn còn có từ 60-100 người biểu tình bám trụ hoặc chưa tìm được cách thoát khỏi khuôn viên trường Đại học Bách khoa, nhiều người tham gia biểu tình tại đây thậm chí không phải sinh viên PolyU hoặc thậm chí chưa từng học đại học.
Nam thanh niên Sum Yiu, 25 tuổi, cho biết sau khi học xong chương trình phổ thông năm 19 tuổi, anh làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có lái xe.
"Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ các sinh viên, nhưng không có sinh viên nào để chúng tôi bảo vệ. Chúng tôi còn chẳng bảo vệ được chính mình", người này cay đắng thừa nhận.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam cho biết bà hy vọng thế bế tắc có thể được giải quyết một cách ổn thỏa, những người bị thương và những trẻ vị thành niên sẽ được đối xử nhân đạo nếu ra gặp cảnh sát.
Theo Huy Vũ (Ngaynay.vn)