Lyu Guoquan, quan chức hiệp hội công đoàn Trung Quốc, tuần trước đề nghị trước Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) rằng nước này cần đưa ra quy định pháp lý và khung bồi thường cho "làm ngoài giờ trực tuyến".
Lyu hôm 10/03 nói với Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc rằng đề xuất kể trên đã được chấp nhân, và các cơ quan chính phủ đã bắt đầu thảo luận với ông.
CPPCC chưa xác nhận quyết định kể trên.
Vấn đề cũng được chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc nêu ra trong báo cáo gửi quốc hội nước này hôm 08/03, theo SCMP.
Nhiều người Trung Quốc thường phải trả lời tin nhắn liên quan tới công việc trên các nền tảng như WeChat sau giờ làm, hay phải làm việc trên điện thại di động vào ngày nghỉ.
Chán án Zhang Jun nói với quốc hội Trung Quốc rằng tòa án nước này năm ngoái đã đưa ra các tiêu chuẩn "làm việc ngoài giờ vô hình".
Ông Zhang cho biết một người được coi là làm việc ngoài giờ nếu họ "đóng góp công sức thực chất" vào những nhiệm vụ "rõ ràng mất thời gian". Định nghĩa này bao gồm làm việc trực tuyến.
"Các tiêu chuẩn đảm bảo rằng làm việc ngoài giờ trực tuyến sẽ được thưởng và giờ nghỉ ngoại tuyến được bảo vệ," ông Zhang cho biết thêm.
Trước đó, tòa án tại Trung Quốc đã xét xử một số vụ kiện liên quan tới tiền công làm việc trực tuyến ngoài giờ. Một vụ kiện đáng chú ý liên quan tới nguyên đơn Li, đạo diễn của một nhóm sản xuất video ngắn, đệ đơn kiện đơn vị tuyển dụng do không trả tiền công làm việc ngoài giờ sau khi bị cắt giảm vào năm 2020.
Tòa án cấp dưới ở thời điểm đó kết luận thời gian Li làm việc trong ngày nghỉ trên WeChat cần được "xem xét" khi thanh toán bồi thường ngoài giờ. Tuy vậy, tòa án tối cao Trung Quốc thời điểm đó thừa nhận thời gian mà nguyên đơn làm việc "rải rác và khó tính toán".
Hà An (SHTT)