Trung Quốc và EU đàm phán thương mại trong lúc Trump gặp Putin

16/07/2018 20:19:01

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thúc giục các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc không leo thang căng thẳng, gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại.

Ngày 16/7, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đến Bắc Kinh gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng một số quan chức. Phát biểu sau cuộc đàm phán, ông Donald Tusk kêu gọi Mỹ, Nga và Trung Quốc hợp tác nhằm tránh nguy cơ xảy ra "hỗn loạn và mâu thuẫn" về thương mại. 

Trung Quốc và EU đàm phán thương mại trong lúc Trump gặp Putin
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: Getty.

"Đây là nhiệm vụ chung của châu Âu và Trung Quốc, nhưng Mỹ và Nga cũng phải có vai trò cải thiện trật tự thương mại thế giới, không phải phá hủy nó. Vẫn còn thời gian để chúng ta ngăn chặn mâu thuẫn và sự hỗn loạn", Reuters dẫn lời chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Ông Tusk đồng thời cho rằng các quốc gia đang đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là tiếp tục đưa ra các loại thuế trừng phạt lẫn nhau và gia tăng căng thẳng tại Ukraine và Syria, hoặc là cùng hướng đến những giải pháp chung dựa trên luật lệ công bằng.

"Đây là lý do tôi kêu gọi nước chủ nhà Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng bắt đầu cải cách WTO một cách toàn diện", ông nói. 

Theo ông Tusk, thế giới cần tiến đến mục tiêu cải cách thương mại, tránh đối đầu gay gắt lẫn nhau. 

Trung Quốc và EU đàm phán thương mại trong lúc Trump gặp Putin - 1
Chủ tịch Hội đồng châu Âu gặp gỡ Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp thường niên giữa các quan chức EU và Trung Quốc diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin tại Helsinki (thủ đô Phần Lan). Trong khi đó, Bắc Kinh và các nước châu Âu đang đối đầu căng thẳng về thương mại, sự bất hòa giữa các nền kinh tế trên thế giới cũng ngày một gia tăng. 

Nhiều nhà quan sát mong đợi hai bên sẽ đưa ra cam kết cải thiện hệ thống thương mại song phương. Trong cuộc đàm phán năm 2016 và 2017, lãnh đạo EU và Trung Quốc đã không thể thống nhất về vấn đề này. 

Trong khi đó, thị trường EU đang bế tắc trong việc chống đỡ chế độ bảo hộ mậu dịch của nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, được đặt ra dưới thời Tổng thống Donald Trump. Bắc Kinh và Washington cũng ngày càng dấn sâu hơn vào cuộc chiến thương mại, không có dấu hiệu sẽ thương lượng với nhau. 

Theo Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật