Báo Nga đã đặt ra nghi vấn rằng liệu sự thân thiện đột ngột của Ấn Độ và Trung Quốc với Syria có phải nhằm mục tiêu hất cẳng Nga ra khỏi đất nước này?
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. |
Theo Pravda, Trung Quốc và Ấn Độ đã chuẩn bị đến phân chia "chiếc bánh Syria". Và trong thế giới địa chính trị không có bạn bè, lợi ích của Nga ở Syria đang bị đe dọa.
Syria không còn bị cô lập
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Mobashar Jawad Akbar tới Damascus hôm thứ Bảy tuần trước đã nhấn mạnh sự hỗ trợ của chính phủ New Delhi đối với ông Assad trong cuộc xung đột Syria. Tuần trước đó, Trung Quốc ra tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự với chính phủ Assad.
Sự ủng hộ của New Delhi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chính phủ Syria. Ấn Độ, không giống Trung Quốc, là một trong những quốc gia theo dân chủ kiểu phương Tây. Bởi vậy, cuộc gặp gỡ ở Ankara được xem là một vụ nổ đối với các đồng minh dân chủ phương Tây đang cô lập Syria của quốc gia này.
Trong cuộc gặp gỡ tại Damascus, Tổng thống Syria kêu gọi Ấn Độ là quốc gia “đóng vai trò cường quốc chính” trong việc ổn định khu vực Tây Á. Ấn Độ và Syria đã ký kết một thỏa thuận về việc cải thiện hợp tác về vấn đề an ninh.
Các động thái trên chỉ ra rằng New Delhi lo ngại về mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Cần lưu ý rằng các cuộc tấn công khủng bố thánh chiến ở Dhaka hồi tháng trước đã giết chết 29 người.
Trong cuộc hội đàm, ông Assad "hoan nghênh sự đóng góp tích cực của Ấn Độ trong cuộc xung đột ở Syria và hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng khủng bố là một vấn đề toàn cầu". Ankara cho biết thêm rằng nước này sẽ sớm khôi phục lại các thành phố Syria bị chiến tranh tàn phá và mời Ấn Độ hợp tác trong quá trình tái thiết này.
Sự quan tâm của Ấn Độ trong sự ổn định của khu vực Tây Á, cũng bắt nguồn từ thực tế là hơn bảy triệu dân Ấn Độ hiện đang làm việc trong khu vực. "Sự an toàn của họ vẫn còn là một mối quan tâm lớn của chính phủ, ngoài nhu cầu năng lượng của đất nước."
Bắc Kinh và New Delhi: Ai sẽ qua mặt ai ở Syria
Ảnh Pravda |
Tuy nhiên, một điều thú vị là chỉ một năm trước đây, New Delhi đã không thực hiện bất kỳ chuyến thăm nào tới Syria mặc dù hai nước có rất nhiều dự án dài hạn đang chờ được hoàn thành bao gồm: dự án xây dựng trạm thủy điện Tishreen dưới sự kiểm soát của Bharat Heavy Electricals Ltd (BHEL) và Nhà máy thép ở tỉnh Hama, được tài trợ bởi một nguồn tín dụng đặc biệt ở Ấn Độ. Nhưng hiện New Delhi có dự định hoàn thành dự án như một sự đảm bảo dành cho Damascus.
Có triển vọng rằng cuộc chiến ở Syria đang gần đến hồi kết thúc. Cũng rõ ràng là ai sẽ nắm quyền trong thời hậu chiến Syria. Những tiến bộ này đạt được sau khi có một sự thay đổi về lập trường của Ankara, trong đó cho phép chính quyền Bashar al-Assad tiếp tục cai trị trong giai đoạn chuyển tiếp. Dù người Mỹ trong một thời gian dài đã cố gắng loại bỏ ông Assad, nhưng các chế độ quân chủ Ả Rập hiện nay cũng đã không thể phủ nhận sự cần thiết để đàm phán với Nga và Iran về vấn đề này.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Syria chuẩn bị đến hồi kết, Bắc Kinh mới bất ngờ bày tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổng thống Syria là một động thái rất đáng chú ý. Bắc Kinh cho biết sự hỗ trợ chính phủ Assad là nhằm thể hiện sự sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác với các lực lượng vũ trang của Syria, củng cố chính sách chống khủng bố chống.
Tuy nhiên, theo Pravda, mối quan hệ gần gũi giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đối với Syria có thể xuất phát từ sự biết ơn, trao đổi. Chính phủ Assad hỗ trợ Trung Quốc về vấn đề liên quan đến Biển Đông, ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề Kashmir và ủng hộ Nga về Crimea.
Âm mưu hất cẳng Nga ra khỏi Syria?
Ngoài ra, theo Pravda, sự thắt chặt quan hệ với Syria của New Delhi và Bắc Kinh còn ẩn chứa nhiều lý do khác.
Ảnh Pravda |
Đầu tiên, nhìn chung cuộc xung đột ở Syria hiện không còn được xem là một cuộc chiến của riêng Tổng thống Assad mà còn là của Nga và Iran. Đó quả thật là một cuộc đấu tranh địa chính trị với mong muốn chung của tất cả hoặc phần lớn nhân loại là tiêu diệt các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Thứ hai, sự sụt giảm ảnh hưởng của phương Tây tại Syria và các quốc vương Ả Rập là cơ hội tốt hơn để chia sẻ "chiếc bánh Syria" đối với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, không có sự công bằng khi Bắc Kinh và New Delhi đã không phải đổ hàng tỷ USD để chiến đấu ở Syria, mà vẫn đến "đòi chia phần". Nga đã thực hiện những "công việc khó khăn", còn Trung Quốc và Ấn Độ chỉ việc tận hưởng thành quả.
Sự tăng cường hiện diện ở Syria có thể giúp Ấn Độ và Trung Quốc tăng cường hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện một loạt các dự án phục vụ lợi ích kinh tế của họ dù ai lên nắm quyền ở Damascus sau Bashar al-Assad. Đó là chiến lược quen thuộc mà Trung Quốc đã làm ở châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Thứ ba, có lẽ nào Trung Quốc và Ấn Độ muốn hất cẳng Nga ra khỏi Syria để giành quyền thực hiện các dự án quy mô có lợi?
Theo các chuyên gia, Nga đã nhiều lần thẳng thắn tuyên bố kế hoạch muốn quay trở lại Trung Đông và thực tế là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ cũng như nhiều mối liên hệ hợp tác trong nhiều định dạng quốc tế đa phương.
Theo Hoàng Hải (Nguoiduatin.vn)