Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ra đời năm 1987 với hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô, sau này là Nga, tham gia. Gần đây, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của INF trong khi Nga bác bỏ. Lấy cớ Nga không tuân thủ INF, phía Mỹ đã đe dọa rút khỏi hiệp ước này.
E ngại về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ sau khi INF sụp đổ, bà Merkel kêu gọi về việc ra đời một hiệp ước hạt nhân toàn cầu.
“Giải trừ quân bị là thứ khiến tất cả chúng ta quan tâm và chúng ta tất nhiên sẽ rất vui mừng nếu những cuộc đàm phán (về chủ đề này) được tổ chức không chỉ giữa Mỹ, châu Âu và Nga mà cả với Trung Quốc”, thủ tướng Đức phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, được Reuters trích thuật.
Hiệp ước INF cấm các bên tham gia chế tạo và sử dụng các tên lửa mặt đất với tầm bắn 500-5.500km. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 2 này, lấy cớ rằng Nga vi phạm INF.
Moscow bác bỏ mọi cáo buộc, nhưng Mỹ và các đồng minh của Washington trong NATO muốn Nga phá hủy các hệ thống tên lửa hành trình 9M729 có năng lực hạt nhân, loại vũ khí mà Mỹ nói có thể cho phép Nga tấn công châu Âu nhanh chóng.
Đề nghị của thủ tướng Đức Merkel liên quan đến Trung Quốc trong mắt của các nhà ngoại giao NATO là một cách khả dĩ giúp vượt qua thế bế tắc, bởi một hiệp ước mới có thể giải quyết những quan ngại của phía Mỹ về các mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ Nga và Trung Quốc.
Nhưng nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc là Dương Khiết Trì, người cũng có mặt tại hội nghị ở Munich, Đức, nói các tên lửa Trung Quốc chỉ được dùng vào mục đích phòng vệ.
“Trung Quốc phát triển các năng lực một cách chặt chẽ, chiểu theo nhu cầu phòng vệ và không tạo ra mối đe dọa nào, đối với bất kỳ nước nào. Vì thế chúng tôi phản đối việc đa phương hóa hiệp ước INF”, ông Dương nói.
Trung Quốc nói tham vọng của họ là hiện đại hóa quân đội từ nay tới năm 2035, cải thiện năng lực không quân và đẩy mạnh các công nghệ mới như các tên lửa hành trình tốc độ cao và trí tuệ nhân tạo.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng gần 6% trong giai đoạn 2017-2018, theo Viện quốc tế Nghiên cứu An ninh (IISS) có trụ sở ở London, Anh.
Tướng Trung Quốc về hưu Diêu Vân Trúc nói với các đại biểu tại hội nghị rằng một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu nó bao gồm cả các tên lửa phóng đi từ tàu chiến và từ máy bay, bên cạnh tên lửa mặt đất, bởi hầu hết các công nghệ quân sự Trung Quốc là vũ khí mặt đất nên nước này không muốn đưa mình vào thế bất lợi.
Chế tạo và sản xuất với chi phí thấp hơn, có tính cơ động cao và dễ dàng cất giấu, các bệ phóng tên lửa mặt đất là lựa chọn hấp dẫn với Trung Quốc, theo lời các chuyên gia, trong khi Mỹ vận hành nhiều hệ thống tên lửa trên tàu chiến đắt đỏ hơn do họ bị ràng buộc bởi INF.
“Trung Quốc có truyền thống quân sự trên đất liền và quân đội Trung Quốc là đội quân trên đất liền”, bà Diêu nói. “Nếu Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán dạng này, tôi nghĩ nó cần phải toàn diện hơn nữa để bao hàm không chỉ các năng lực tấn công từ mặt đất mà còn cả các năng lực trên không và trên biển”… và việc đó cực kỳ phức tạp”, tướng Diêu nói.
Mặc dù Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc nhiều thập kỷ về vũ khí hạt nhân, nhưng hồi cuối năm ngoái, việc Trung Quốc thử nghiệm thành công JL-3, tên lửa đạn đạo mới phóng đi từ tàu ngầm đã khiến Washington phải “quan ngại”, theo tin của SCMP. Vụ thử nghiệm cho thấy Trung Quốc đang có bước tiến với các tàu ngầm chiến lược có thể được trang bị tên lửa JL-33 mang đầu đạn hạt nhân. Việc phát hiện tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đương nhiên khó khăn hơn phát hiện các hệ thống hạt nhân trên mặt đất. Hồi tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói quyết định rút khỏi INF được củng cố bởi Mỹ cần phải đối phó với năng lực hạt nhân đang gia tăng của Trung Quốc.
Theo Anh Minh (Tiền Phong)