Ông Vương Nghị nói với 9 đại diện của Taliban đang ở thăm Trung Quốc, trong đó có người đồng sáng lập phong trào Mullah Abdul Ghani Baradar rằng, Bắc Kinh hy vọng lực lượng này sẽ “đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải và tái thiết hòa bình ở Afghanistan”, theo một thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho biết ông hy vọng Taliban sẽ đàn áp Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan vì đây là "mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc". Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) là một nhóm chiến binh tộc Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan. Nhóm này đã từ lâu tìm kiếm nền độc lập cho vùng Tân Cương mà tổ chức này xem như một “Đông Turkestan” trong tương lai. Trung Quốc từ lâu đã lo ngại nước láng giềng Afghanistan có thể được sử dụng làm nơi trú ẩn cho lực lượng ly khai.
Chuyến thăm của phái đoàn Taliban đến Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thời gian qua, lực lượng Taliban đã leo thang tấn công và chiếm được các huyện nông thôn và các thủ phủ của các tỉnh lân cận sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 tuyên bố Mỹ sẽ rút toàn bộ binh lính khỏi quốc gia này vào tháng 9, chính thức đặt dấu chấm hết cho gần 20 năm hiện diện quân sự của nước này tại Afghanistan. Tính đến thời điểm này, việc rút quân đã gần như hoàn tất, trong khi Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công.
Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ Afghanistan và Taliban thời gian gần đây đã khiến số dân thường thương vong ở Afghanistan tăng cao chưa từng thấy. Báo cáo của Phái bộ Hỗ trợ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) công bố hôm 26/7 đã ghi nhận 5.183 trường hợp thương vong dân sự kể từ tháng 1 đến tháng 6/2021, trong đó có 1.659 trường hợp thiệt mạng. Con số này đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song song với các động thái quân sự, giới chức lãnh đạo Taliban đã và đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao quốc tế trong những tháng gần đây, tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế khi họ hy vọng sẽ trở lại nắm quyền ở Afghanistan.
Cuộc gặp hôm qua (28/7) tại Thiên Tân, Trung Quốc mà theo người phát ngôn của Taliban Mohammed Naeem cho biết là theo lời mời từ chính quyền Trung Quốc, được nhiều người coi là món quà của Bắc Kinh hướng tới tính hợp pháp mà Taliban đang theo đuổi.
Mohammed Naeem viết trên Twitter rằng “chính trị, kinh tế và các vấn đề liên quan đến an ninh của hai nước cũng như tình hình hiện tại của Afghanistan và tiến trình hòa bình đã được thảo luận trong cuộc họp”.
“Phái đoàn đảm bảo với Trung Quốc rằng họ sẽ không phép bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để chống lại Trung Quốc. Trung Quốc cũng nhắc lại cam kết tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan và cho biết họ sẽ không can thiệp vào các vấn đề Afghanistan nhưng sẽ giúp giải quyết các vấn đề và khôi phục hòa bình ở đất nước này”, Naeem cho biết thêm.
“Quốc gia bị bài xích”
Trung Quốc coi việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là một lợi ích, trong khi đảm bảo quan hệ chặt chẽ với chính phủ tương lai ở Kabul cũng có thể mở lối cho việc mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường sang Afghanistan và thông qua các nước Trung Á.
Ngày 28/7, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách nhấn mạnh thêm sự khác biệt giữa chính sách của Washington và Bắc Kinh. “Trung Quốc luôn tôn trọng việc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Afghanistan… Afghanistan thuộc về người dân Afghanistan. Điều đó hoàn toàn trái ngược với sự thất bại trong chính sách của Mỹ đối với Afghanistan”.
Từ New Delhi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm chính thức Ấn Độ đã lên tiếng cảnh báo rằng Afghanistan sẽ trở thành “một quốc gia bị bài xích” nếu Taliban nắm quyền kiểm soát bằng vũ lực.
“Taliban nói rằng họ tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, rằng họ muốn có sự hỗ trợ của quốc tế đối với Afghanistan. Có lẽ, họ muốn các nhà lãnh đạo của mình có thể tự do đi đây đi đó trên thế giới và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ... Việc tiếp quản đất nước bằng vũ lực và lạm dụng nhân quyền không phải là con đường để đạt được những mục tiêu đó”, ông Blinken nói.
“Một đất nước Afghanistan không tôn trọng quyền của người dân, một Afghanistan thực hiện hành vi tàn bạo đối với người dân của mình sẽ trở thành một quốc gia bị bài xích”, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.
Ông chỉ trích những “hành vi tàn bạo" mà Taliban thực hiện trong những tuần gần đây khi phát động các cuộc tấn công trên khắp đất nước là đặc biệt nguy hiểm và gây quan ngại, không cho thấy ý định tốt đẹp của Taliban đối với đất nước.
Ngoại trưởng Blinken đồng thời khẳng định Mỹ "vẫn can dự rất nhiều vào Afghanistan” và trợ giúp chính nước này thông qua các hình thức hỗ trợ khác nhau, bao gồm cả lực lượng an ninh lẫn ngoại giao, trong nỗ lực đưa các bên xích lại gần nhau và thúc đẩy “giải quyết xung đột một cách hòa bình”.
Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xem xét lại bản kế hoạch về sự sẵn sàng của Taliban và những người ủng hộ lực lượng này trong việc đưa ra một giải pháp chính trị.
“Về quy mô, phạm vi và thời gian, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc xâm lược chưa từng có trong vòng 30 năm qua. Đây không phải là Taliban của thế kỷ 20... mà là biểu hiện của mối liên hệ giữa các mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”, ông Ghani nói trong một bài phát biểu hôm 28/7./.
Theo Hùng Cường (VOV.vn)