Trung Quốc toan tính thâm hiểm

02/02/2015 08:47:47

Tiến sĩ - luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở rộng, cải tạo một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tiến sĩ - luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở rộng, cải tạo một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

 

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên đảo Chữ ThậpẢnh: iHS


- Tiến sĩ - luật sư Trần Công Trục:

Rõ ràng đảo Chữ Thập là mục tiêu chính, mũi tấn công chính của họ trong tham vọng phi lý “đường lưỡi bò”. Cùng với đó là hàng loạt hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm cam kết chung và chủ quyền của nước khác như xây dựng căn cứ quân sự tại các đảo: Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma... Đảo Chữ Thập được nâng cấp thành căn cứ quân sự sẽ có khả năng khống chế toàn bộ khu vực Nam biển Đông.
 
Đặc biệt, căn cứ quân sự hay nhịp cầu thứ hai này sẽ nối từ đảo Hải Nam đến Hoàng Sa và đến phía Bắc quần đảo Trường Sa. Rõ ràng hoạt động có kế hoạch, bài bản của Trung Quốc không nằm ngoài mục tiêu độc chiếm biển Đông, khẳng định tham vọng “đường lưỡi bò”. Đáng ngại hơn, Trung Quốc vô cùng thâm hiểm khi tiến hành nhiều biện pháp từ cương đến nhu, từ trên thực địa đến ngoại giao để thực hiện mưu đồ của mình.
 

Như vậy, mọi hoạt động của họ đều nằm trong kịch bản được tính toán rất kỹ ở từng thời điểm, như đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra Hoàng Sa năm 2014 theo kiểu “giương Đông kích Tây”. Họ có tính toán từng bước đi cụ thể, đặt ra mục tiêu chính, hướng chính, nơi tập trung có tính chiến lược chính phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa là Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Chữ Thập.

Để đạt được tham vọng, họ dùng mọi biện pháp có thể, từ hải quân, không quân đến đồn trú trên các đảo. Đáng ngại hơn, họ công khai những hành động này để răn đe các nước liên quan, đặc biệt là các nước trong khu vực.

Các chuyên gia quân sự cùng quan điểm hết sức lo ngại Trung Quốc đang biến các bãi đá, hòn đảo thành căn cứ tấn công quân sự để khống chế toàn bộ khu vực?

- Trung Quốc tiến xuống biển Đông bằng những cuộc tấn công xâm lược. Vì thế, việc gia cố các bãi đá, hòn đảo ở Trường Sa cũng là bước đi tiếp theo của chiến lược tấn công xâm lược của họ trong thời gian tới. Họ không bao giờ có tâm lý phòng thủ ở đây vì những hòn đảo họ đang tạm nắm giữ cũng bắt nguồn từ việc dùng vũ lực để chiếm giữ của nước khác. Dưới con mắt của các chuyên gia quân sự, đây là “một nhịp cầu nối” trong chiến lược tấn công của Trung Quốc trên biển Đông.

Chúng ta đã biết từ trước đến nay, mọi tuyên bố trên các trang mạng, báo chí từ phía Trung Quốc dù không phải là các tờ báo chính thống của nhà nước này nhưng đều có chủ đích sâu xa, dàn xếp, bố trí từ đằng sau. Đây không chỉ là việc thăm dò phản ứng các bên mà còn là sự tuyên bố “nói là làm”, bài bản, phân công rõ ràng về mặt truyền thông.

Trước tình hình này thì Việt Nam, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần có những biện pháp gì ngay?

- Những quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam và các nước có lợi ích liên quan, phải luôn cảnh giác cao độ, xúc tiến mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Hơn ai hết, dù ở cấp quốc tế hay nội tại, mỗi quốc gia cần có tiếng nói thống nhất, xuyên suốt về chuyện chống xâm lược, đồng lòng và không nhập nhèm trong thái độ.
 

Không được phép lơ là, chủ quan

Theo ông Trần Công Trục, Việt Nam cũng cần tính gấp đến phương án khởi kiện Trung Quốc ra các tòa án, tổ chức quốc tế như Philippines đã làm. Việc này là tất yếu và để có hiệu quả, chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản trong thời gian dài.

“Với sự đe dọa, tấn công mạnh bạo của Trung Quốc, không cho phép chúng ta, các nước trong khu vực, các nước có lợi ích liên quan hay cộng đồng quốc tế được phép lơ là, chủ quan. Hành động của Trung Quốc không chỉ nhắm tới từng nước trong khu vực mà còn nhằm vào mối quan hệ, lợi ích quốc tế và để thể hiện vai trò của họ trong sự cân bằng cán cân các nước lớn” - ông nhận xét.
 
Theo Thế Dũng (Nld.com.vn)