Ngày 29.10, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) công bố toàn văn báo cáo công tác được trình lên Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 vừa bế mạc vào tuần trước. Theo Tân Hoa xã, báo cáo khẳng định CCDI đã diệt trừ “những ẩn họa chính trị nghiêm trọng” trong 5 năm qua, kể từ đại hội lần thứ 18 vào năm 2012.
Nhấn mạnh tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất đối với vị trí cầm quyền của CPC, báo cáo viết: “Các tập đoàn lợi ích hình thành từ sự hòa quyện giữa tham nhũng chính trị và tham nhũng kinh tế xâm hại nghiêm trọng an ninh chính trị của đảng và quốc gia”. Cụ thể, CCDI cáo buộc cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài cùng cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lệnh Kế Hoạch và cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang là những người có âm mưu và dã tâm chính trị.
“Chu Vĩnh Khang, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch cùng những người khác vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và quy củ chính trị, bành trướng dã tâm chính trị và tiến hành âm mưu”, báo cáo viết. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương CPC đã kịp thời phát giác, quyết đoán xử trí và kiên quyết loại bỏ những đối tượng này, diệt trừ ẩn họa chính trị nghiêm trọng. Về phần mình, CCDI đã xử lý thích đáng toàn bộ những người liên quan và loại bỏ “những ảnh hưởng độc hại” của họ, theo Tân Hoa xã.
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài bị khai trừ đảng vào cuối tháng 9 sau khi bị cách chức để điều tra vào tháng 7, còn hai ông Chu và Lệnh đang thụ án tù chung thân vì tham nhũng. Trước đó, ông Tôn từng được xem là ứng viên sáng giá có thể được cơ cấu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19. Báo cáo của CCDI cũng nhắc đến 6 đại án của 3 nhân vật nói trên cùng các ông Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, đồng thời yêu cầu toàn đảng rút ra bài học từ sai lầm của những người này để giữ vững kỷ luật và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của đảng.
Theo tờ South China Morning Post, trong lúc phát biểu tại một phiên họp trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của CPC, Chủ tịch Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc Lưu Sĩ Dư cũng tiết lộ 3 ông Chu, Lệnh và Tôn có âm mưu “soán đảng đoạt quyền”.
Trong lịch sử, các cáo buộc “dã tâm chính trị” và “âm mưu chính trị” từng được CPC dùng để mô tả những nhân vật âm mưu chính biến như Lâm Bưu và Giang Thanh khi đưa ra kết luận về thời kỳ Cách mạng Văn hóa trong thập niên 1960 và 1970. Các cụm từ này được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn, nguyên Bí thư CCDI khóa 18, sử dụng trở lại trong các bài phát biểu hoặc bài viết vào năm 2016. Tuy nhiên, báo cáo của CCDI đánh dấu lần đầu tiên CPC trực tiếp nhắc đến danh tính những người bị cáo buộc tội trạng, cho thấy Trung Quốc muốn công khai những nguy cơ chính trị đằng sau các vụ đại án nói trên.
Theo Sơn Duân (Thanh Niên Online)