Những âm thanh kỳ lạ vang lên giữa bầu không khí lạnh giá ở Bắc Kinh và nhiều tiếng nói phát ra từ một căn phòng nhỏ khuất lấp và chẳng có gì nổi bật.
Bên trong, có khoảng 20 người, hầu hết ở độ tuổi từ 60 trở lên. Họ đang hát những bài hát u buồn từ thời Cách mạng Trung Quốc, đầy đau thương và lạc điệu.
Họ tự gọi mình là một ca đoàn, nhưng thực tế là họ không đến đây để hát. Họ tập trung ở đó để giúp nhau vơi đi nỗi đau.
Mỗi người trong ca đoàn là cha hoặc mẹ của một đứa con duy nhất và con họ đều đã chết.
Ông Yang Chunhai nói: “Chắc tôi sẽ không bao giờ hết đau buồn”. Con trai của ông vừa qua đời vì bệnh bạch cầu vào năm ngoái khi mới 31 tuổi. “Lúc còn sống nó bảo tôi là phải tiếp tục sống nốt phần đời của nó vì thế nên tôi mới có mặt trong ca đoàn này”.
Ông nói với vẻ đau khổ cam chịu giống như những người khác trong ca đoàn, khi biết rằng con trai mình chết đi nghĩa là không còn ai nối dõi tông đường nữa.
Những chiếc bụng 'đẻ' ra tiền
Ông Yang và vợ chỉ là một trường hợp trong hàng trăm triệu cặp vợ chồng ở Trung Quốc chịu hậu quả của chính sách một con.
Luật này quy định mỗi cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ được phép có một đứa con duy nhất mà thôi. Vào ngày 01/01 vừa qua, luật này đã được sửa đổi để cho phép họ có đến hai con.
Nhưng chính sách này đã kéo dài trong 30 năm, đôi khi bằng những hình thức hết sức tàn nhẫn. Các tổ chức về nhân quyền từ lâu vẫn lên án hiện trạng nạo phá thai và triệt sản cưỡng bức xảy ra khá thường xuyên ở đất nước này.
Những cặp vợ chồng nào muốn có nhiều hơn một đứa con phải đóng tiền phạt.
Theo luật sư Wu Youshui: “Cái gọi là phí hỗ trợ xã hội này thực chất là một cách làm tiền của chính quyền địa phương”. Vị luật sư này cũng cho rằng chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào khoản tiền phạt này để chi trả cho hoạt động của họ”.
Mối quan tâm của ông về vấn đề này nảy sinh từ vài năm trước, khi một khách hàng nói rằng họ đã trả khoản tiền phạt vài ngàn Nhân Dân Tệ (NDT) cho các quan chức địa phương để được sinh đứa con thứ hai.
Wu nói rằng khoản tiền phạt này thấp hơn nhiều so với con số hàng trăm ngàn NDT mà ông đã từng nghe người khác phải trả. Ông nghi ngờ rằng tiền phạt được giảm xuống để khuyến khích mọi người nộp phạt, chứ không phải để ngăn cản họ có thêm con. Wu tiến hành điều tra và phát hiện ra sự thật đúng như vậy.
Wu đã gửi thư tới 31 tỉnh ở Trung Quốc yêu cầu thông tin về số tiền phạt thu được từ chính sách một con trong năm 2012. Hai mươi tư tỉnh đã phản hồi với tổng số tiền thu được là 20 tỷ NDT (3,2 tỷ USD).
“Người dân gọi khoản tiền phạt này là ‘tiền bụng’, vì nó thu được từ ‘bụng’ của phụ nữ”, Wu nói.
Nửa triệu người làm công tác thực thi chính sách một con
Thực hiện chính sách này và thu những khoản tiền phạt cũng tiêu tốn một nguồn nhân lực đáng kinh ngạc. Chính phủ ước tính có khoảng nửa triệu người đang làm việc cho ủy ban kế hoạch hóa gia đình. Họ hình thành một cơ chế quan liêu cực đoan và tạo ra toàn bộ thế hệ ‘một con’.
Luật sư Wu cho biết: “Tôi không thấy khả quan hơn về chính sách mới, vì tôi nghĩ thực trạng nạo phá thai cưỡng bức sẽ tiếp tục diễn ra với những cặp vợ chồng muốn có nhiều hơn 2 con”.
Ông cũng cho rằng chính quyền địa phương vẫn sẽ tích cực thu thêm tiền phạt từ các gia đình, vì họ vẫn phải dựa nhiều vào khoản thu đầy màu mỡ này.
Với những người như Yang, những vấn đề về tương lai gần như không liên quan. Ông và những người khác trong ca đoàn giờ đây chỉ đau buồn về quá khứ mà thôi. Ông cho biết con trai ông rất hiền lành, và không khỏi nghẹn ngào khi nói về chuyện cũ.
Theo Đinh Vân (Cafebiz.vn/Trí Thức Trẻ)