Trung Quốc thành 'phòng thí nghiệm' đi làm hậu Covid-19

13/05/2020 21:50:58

Thế giới đang rất cần các quy định và hướng dẫn làm việc nơi công sở mới hậu Covid-19 và Trung Quốc chính là "phòng thí nghiệm" đầu tiên.

Covid-19 khoét sâu khoảng cách Trung Quốc - châu Âu Nữ 'người dơi' Trung Quốc chuyên săn virus 'Lửa giận' vẫn âm ỉ tại Vũ Hán

Nhân viên công ty BMW ở Trung Quốc tự đo nhiệt độ ba lần mỗi ngày và gửi kết quả lên một ứng dụng giao lưu nội bộ. Tập đoàn điện tử Foxconn yêu cầu nhân viên rửa tay trước và sau khi xử lý giấy tờ. Một tài xế taxi công nghệ phải rửa xe mỗi ngày và gửi video bằng chứng về trụ sở công ty.

Trung Quốc thành 'phòng thí nghiệm' đi làm hậu Covid-19

Nhân viên công ty JD.com quét mã QR để trình lên hệ thống thông tin về nguy cơ lây nhiễm của từng người được ghi lại trên ứng dụng điện thoại. Ảnh: NYTimes.

Ba tháng sau khi Trung Quốc gần như đóng cửa hoàn toàn để ngăn chặn Covid-19, người lao động nước này đang từng bước quay trở về với công việc nhằm khởi động lại cỗ máy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời phải đảm bảo không làm tái bùng phát dịch bệnh. Nếu các nhà máy và văn phòng Trung Quốc hoạt động trở lại thành công mà không gây bùng dịch, họ có thể trở thành một mô hình cho các nước khác noi theo.

Một số quy định nơi làm việc mới rất rõ ràng: Sử dụng chất khử trùng, khẩu trang thường xuyên và giữ khoảng cách với đồng nghiệp. Tuy nhiên, một số tiếng nói lại kêu gọi theo dõi, giám sát người lao động theo cách mà các lao động ở những nước khác khó chấp nhận, bao gồm việc sử dụng thiết bị theo dõi sức khỏe được chính phủ phê chuẩn.

Cùng lúc, chính quyền các địa phương lại có những phương pháp, quy định mới rất khác nhau. Cuối cùng, tất cả mọi người đều thống nhất một điều: Trở về cuộc sống giống như trước khi dịch bùng phát là điều không thể.

"Cuộc sống sẽ không thể như trước đây", Johann Wieland, giám đốc điều hành liên doanh BMW ở Trung Quốc, nơi có 20.500 lao động, cho hay. "Đây là điều đầu tiên chúng ta cần học".

Các công ty lớn đang yêu cầu người lao động thay đổi thói quen cá nhân hàng ngày cũng như những hoạt động nơi làm việc. Foxconn, tập đoàn điện tử Đài Loan sản xuất iPhone cùng các thiết bị khác do phương Tây đặt hàng có nhiều nhà máy tại Trung Quốc đại lục, đã khuyên nhân viên nên tránh tham gia giao thông công cộng mà chuyển sang đi bộ, xe đạp hoặc tự lái xe.

Foxconn cũng khuyến khích người lao động cẩn thận mỗi khi ấn nút thang máy, rửa tay trước và sau khi chạm vào văn bản và tổ chức ăn trưa trong các ca so le. Xe ca đưa đón nhân viên và phòng họp nên mở cửa sổ để không khí lưu thông.

Công ty hóa chất Đức BASF còn đưa ra chính sách riêng bắt buộc phải mở cửa xe buýt đưa đón. Trong những ngày đầu thực hiện chính sách trên, công nhân phải mặc thêm áo vì rét. Nhân viên được theo dõi chặt chẽ. Nếu giám sát viên tại cổng công ty phát hiện ai đó bị sốt, người này sẽ được nhanh chóng đưa đến bệnh viện và các đồng nghiệp từng tiếp xúc lập tức phải cách ly. Các nhà quản lý còn phối hợp với giới chức địa phương kiểm tra xem người lao động có từng đi tàu hay máy bay chở người nhiễm nCoV hay không.

"Tôi nghĩ sẽ là bất khả thi nếu không có sự giúp đỡ từ chính quyền", Brad Morrison, phó chủ tịch phụ trách hoạt động và quản lý nhà máy tại BASF, nói.

Tuy nhiên, các quy tắc khác biệt ở từng nơi lại đang gây khó khăn cho hoạt động hậu cần và chuỗi cung ứng. Dù những giới hạn đã được nới lỏng, chính quyền các địa phương đôi khi vẫn dựng rào chắn tạm thời, đặc biệt ở những nơi xuất hiện các ca nhiễm lẻ tẻ.

Bên trong các cơ sở của BASF, mọi quy tắc được thống nhất. Tất cả người lao động phải đeo khẩu trang. Các bề mặt được lau thường xuyên. Tại canteen, một bàn chỉ được phép có một người ngồi và các bàn được sắp xếp nhìn về cùng một hướng. Một số phòng họp được chuyển thành không gian ăn uống tạm thời nhằm ngăn chặn tình trạng đông đúc.

Trung Quốc thành 'phòng thí nghiệm' đi làm hậu Covid-19 - 1

Thang máy được phân chia các ô vị trí đứng tại trụ sở JD.com ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: NYTimes.

Các công nhân tương tác với máy móc làm việc bên trong nhà máy. Những người còn lại trao đổi qua bộ đàm từ bên ngoài. Phòng thí nghiệm và nhà máy duy trì hai ca làm việc. Trong lúc chuyển giao ca, nhân viên không được phép mặt đối mặt.

"Những biện pháp này thực sự có ý nghĩa", Morrison cho biết. "Đó chỉ là sự hy sinh nhỏ nhoi để chúng tôi có thể vận hành các nhà máy".

Nhằm giữ an toàn, nhiều công ty còn chấp nhận sử dụng các chức năng theo dõi sức khỏe được nhà nước phê chuẩn xây dựng trong các ứng dụng điện thoại phổ biến nhất Trung Quốc như Alipay hay WeChat.

Một trong những ứng dụng đầu tiên được phát triển giúp đánh giá khả năng lây nhiễm của người dùng. Phần mềm theo dõi hành trình của một cá nhân để xác định họ có từng đến các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao hay không. Khi được nhân viên y tế, cảnh sát hay nhân viên an ninh kiểm tra, người dùng sẽ xuất trình thông tin trên phần mềm, hiển thị nguy cơ nhiễm bệnh theo ba cấp đỏ, vàng và xanh, tương ứng với mức cao, trung bình và thấp.

Liu Nan tuân thủ rất nghiêm các quy định. Là chủ hai nhà hàng bò nướng ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, Liu luôn yêu cầu khách hàng trình thông tin sức khỏe trước khi vào quán.

"Nhiều người phàn nàn rằng các nhà hàng khác không nghiêm như vậy", Liu nói. "Nhưng chúng tôi phải giải thích với họ chúng tôi làm vậy là để giữ an toàn cho nhà hàng".

Như bao chủ nhà hàng khác ở Trung Quốc, Liu yêu cầu nhân viên gắn một tấm thẻ ghi tên người chuẩn bị món ăn và nhiệt độ cơ thể của người chuẩn bị ở thời điểm làm đơn hàng trước khi đóng gói và giao. Liu cũng không muốn nhân viên của mình giao tiếp xã hội quá nhiều. Anh yêu cầu 14 đầu bếp và phục vụ sống trong ký túc xá mà anh đã thuê cho họ từ lâu.

"Tôi bảo họ rằng nếu họ thực sự muốn ra ngoài vui chơi, họ có thể đến nhà tôi chơi mạt chược", Liu, 30 tuổi, cho hay.

Tại Bắc Kinh, Niu Baosui, 31 tuổi, tài xế Didi Chuxing, một ứng dụng gọi xe của Trung Quốc tương tự Uber, mỗi sáng đều phải đăng một video lên hệ thống nội bộ công ty để chứng minh rằng anh đã khử trùng chiếc xe trước khi làm việc, đồng thời phải báo cáo nhiệt độ cơ thể hàng ngày.

Trong lúc làm việc, Niu thường xuyên lau ôtô giữa mỗi cuốc xe. Anh hiếm khi cởi bỏ khẩu trang và găng tay.

"Thời tiết đã bắt đầu ấm lên. Đeo khẩu trang khiến mồ hôi của tôi nhỏ giọt dù đã bật điều hòa", Niu chia sẻ.

Một số người lao động thuộc những ngành được nhà chức trách xếp vào hàng thiết yếu phải học thuộc lòng cách phản ứng trong đại dịch.

Zhang Hao, nhân viên chuyển phát cho tập đoàn thương mại điện tử JD.com, làm việc tại Vũ Hán, nơi đầu tiên nCoV xuất hiện tại Trung Quốc. Các gói hàng Zhang vận chuyển luôn được khử trùng trước tại kho. Anh cũng có lọ xịt khử trùng của riêng mình. Giờ đây, anh có thể nói chuyện với khách hàng. Trong giai đoạn dịch bệnh còn căng thẳng, các khách hàng thường trao đổi sau lớp áo mưa hoặc những đồ bảo hộ tự chế.

"Gần đây, chúng tôi chắc chắn vẫn đeo khẩu trang nhưng chúng tôi có thể trò chuyện rồi", Zhang chia sẻ.

Trung Quốc thành 'phòng thí nghiệm' đi làm hậu Covid-19 - 2

Tài xế taxi công nghệ Didi Chuxing dùng nylon để ngăn cách không gian với hành khách. Ảnh: NYTimes.

Tại trụ sở JD.com ở Bắc Kinh, thang máy được lập trình để chỉ dừng lại ở những tầng chỉ định từ trước nhằm hạn chế tương tác giữa các nhân viên. Họ đồng thời cũng đánh dấu những vị trí từng người có thể đứng. Nhân viên tới văn phòng theo hai ca. Nhiều người vẫn tiếp tục làm việc từ xa.

Công ty còn chuẩn bị những thùng rác riêng cho khẩu trang, giấy ăn và đồ đựng thực phẩm. Canteen vẫn đóng cửa. Nhân viên được khuyến khích đặt đồ ăn trực tuyến từ nhà ăn. Cả tòa nhà được khử trùng ba lần mỗi ngày.

BMW Brilliance, liên doanh giữa BMW và một nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, có những chính sách tương tự tại văn phòng của họ ở Bắc Kinh, nơi đã cho phép khoảng 3/4 nhân viên đi làm trở lại.

"Thách thức lớn nhất là áp lực kinh tế, xã hội khổng lồ mà chúng tôi đang phải đối mặt", Wieland, giám đốc điều hành công ty, nhấn mạnh. "Mọi người muốn trở lại cuộc sống bình thường nhưng họ phải học và hiểu rằng chúng ta cần cư xử cẩn trọng hơn".

Vũ Hoàng (Theo New York Times)

Nổi bật