Trung Quốc phá vỡ quy tắc chọn đại biểu dự đại hội đảng vì bê bối mua phiếu bầu chưa từng có tiền lệ

01/12/2016 09:37:00

Các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc sẽ tổ chức một hội nghị chuyên biệt để lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội khóa XIX đảng cộng sản Trung Quốc.

Các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc sẽ tổ chức một hội nghị chuyên biệt để lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội khóa XIX đảng cộng sản Trung Quốc.

TQ phá vỡ quy tắc chọn đại biểu dự đại hội đảng vì bê bối mua phiếu bầu chưa từng có tiền lệ

Hội nghị trung ương VI diễn ra hồi cuối tháng 10 vừa qua đánh dấu thời điểm các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc bước vào giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ trước thềm Đại hội khóa XIX đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.

Theo giới quan sát, hơn nửa các tỉnh thành tại nước này sẽ tổ chức Đại hội đảng các cấp trong những tháng cuối năm 2016, các địa phương còn lại sẽ tiến hành nhóm họp vào đầu năm 2017.

Sau phiên bế mạc Hội nghị trung ương VI, một số tỉnh như An Huy, Hà Nam, Sơn Tây... đã tiến hành tổ chức đại hội.

Khác với phiên họp Lưỡng hội (Quốc hội và Chính hiệp) được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần, Đại hội đảng toàn quốc và các cấp chỉ được tổ chức năm năm một lần nhằm hoàn thành nhiệm vụ chuyển giao quyền lực.

Vì thế, đại hội đảng bộ các cấp ngoài việc bầu ra bộ máy lãnh đạo khóa mới còn phải lựa chọn danh sách đại biểu tham dự Đại hội đảng toàn quốc thời gian sau đó.

Tuy nhiên, năm nay, phiên họp Đại hội đảng các cấp sẽ chưa bầu ra đại biểu tham dự Đại hội đảng khóa XIX. Thay vào đó, các địa phương sẽ tổ chức hội nghị đặc biệt khác để lựa chọn đại biểu tham dự.

Đa chiều (Mỹ) cho rằng, điều này đã phá vỡ quy tắc chính trị về phương thức lựa chọn đại biểu vốn đang được vận hành trong lịch sử ĐCSTQ.

"Sự thay đổi lớn này cho thấy ĐCSTQ vô cùng coi trọng kỳ chuyển giao quyền lực tại Đại hội khóa XIX và tiền lệ này rất có khả năng sẽ được kéo dài trong các kỳ chuyển giao sau, trở thành quy tắc cố định trước mỗi kỳ Đại hội của ĐCSTQ", Đa chiều bình luận.

Một số ý kiến cho rằng, sự thay đổi này thực chất có liên quan đến vụ án nhận hối lộ và mua phiếu để trúng cử quốc hội vào năm 2013 tại Liêu Ninh - một sự kiện "chưa từng có tiền lệ" ở Trung Quốc mới được công bố vào tháng 9 vừa qua.

Đa chiều nhận định, tầng lớp lãnh đạo cao cấp ĐCSTQ vô cùng thận trọng trong quá trình chuyển giao nhiệm kỳ.

Nhằm đảm bảo cuộc bầu cử các cấp tuân thủ "quy tắc", không xảy ra "tai nạn", Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương và Ban tổ chức trung ương đã triển khai các nhóm chỉ đạo, giám sát toàn bộ quá trình chuyển giao nhân sự tại các địa phương.

Thực tế trước đây, tại mỗi kỳ Đại hội đảng các cấp, ĐCSTQ đều cử các nhóm theo dõi xuống từng địa phương nhưng trong giai đoạn cao trào của chiến dịch chống tham nhũng từ sau Đại hội XVIII (năm 2012), sự giám sát này càng được thắt chặt.

Từ Đại hội XVIII đã có 10 Ủy viên Bộ chính trị, 13 ủy viên dự khuyết trung ương các khóa "ngã ngựa", tỷ lệ ủy viên trong Bộ chính trị khóa XVIII bị xử lý cao nhất trong các khóa.

"Hiện nay làm thế nào để mỗi bước ngoặt trong quá trình chuyển giao quyền lực trước thềm Đại hội XIX được đảo bảo suôn sẻ đang trở thành ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ", Đa chiều kết luận.

Theo Thủy Thu (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật