Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nước này có thể sẽ rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nếu phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan gây bất lợi và đi ngược lại với lập trường của Bắc Kinh.
Trung Quốc bồi đắp xây dựng trái phép các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Google Earth) |
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao hôm nay 21/6 cho biết, Trung Quốc đã lớn tiếng nói với một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN rằng Bắc Kinh có thể sẽ rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nếu tòa Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của nước này trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa PCA dự kiến sẽ được đưa ra trong những tuần tới.
Theo Kyodo, điều Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ Philippines kiện Trung Quốc lên PCA là quyết định về việc áp dụng cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn” mơ hồ trên Biển Đông do nước này tự vẽ ra một cách phi lý. Theo đó, kịch bản tồi tệ nhất mà Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt là khi PCA ra phán quyết bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Bắc Kinh trên Biển Đông, khẳng định những yêu sách của nước này không dựa theo luật pháp quốc tế và “đường 9 đoạn” là vô hiệu. Trung Quốc đã ám chỉ rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút khỏi UNCLOS, một công ước được coi là bản hiến pháp của các đại dương, nếu kịch bản này xảy ra.
Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết của PCA sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã phê chuẩn UNCLOS và trở thành một thành viên của công ước từ năm 1996 nhưng nước này vẫn khăng khăng không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết của PCA.
Trung Quốc ngang nhiên chỉ trích Manila đơn phương “tự ý” đệ đơn kiện Bắc Kinh lên PCA đồng thời phá vỡ các thỏa thuận trước đó giữa hai nước nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh còn lớn tiếng nói Mỹ không có quyền bàn về vụ kiện của PCA vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Tòa PCA tổ chức phiên điều trần ở Hà Lan để nghe Philippines giải trình quanh vụ kiện Trung Quốc từ ngày 7-13/7/2015. (Ảnh: PCA) |
Các nước đồng loạt phản ứng
Mặc dù vậy, hành động theo đuổi vụ kiện của Philippines lại nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Tất cả các nước đều cho rằng đây là bước tiến để giải quyết các tranh chấp và xoa dịu căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế. Nhiều nước đã gây áp lực, ép Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết sắp tới của PCA nếu Bắc Kinh muốn trở thành một nước lớn và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Mỹ và các đồng minh, trong đó có nhóm G7, hồi tháng trước đã nhất trí hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ xây “tường thành tự cô lập” ở Biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách mà nước này gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”. Thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây đường băng và các cơ sở hạ tầng trái phép trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Trước khi PCA ra phán quyết về vụ kiện do Philippines khởi xướng, Trung Quốc lớn tiếng rêu rao rằng có khoảng 60 quốc gia ủng hộ lập trường của nước này trong vụ kiện. Tuy nhiên, trái với tuyên bố của Trung Quốc, chỉ 8 quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh nhằm tẩy chay phán quyết của PCA. Điều nực cười là ít nhất 5 quốc gia có tên trong danh sách ủng hộ mà Trung Quốc đưa ra đã thẳng thừng bác bỏ việc ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có 2 thành viên thuộc liên minh châu Âu.
Theo các tuyên bố chính thức do Thời báo Phố Wall và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington ghi nhận, đó là các quốc gia: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Điều đáng nói là tất cả những nước này không hề liên quan gì tới Biển Đông.
Vào tháng 1/2013, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan theo Công ước luật biển 1982 nhằm phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện vào ngày 7/7 tới.
Theo Thành Đạt (Dân Trí)