Thiếu tướng Lê Văn Cương- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) bình luận, năm 2016, Mỹ sẽ không can dự nhiều vào vấn đề Biển Đông nên Trung Quốc sẽ lợi dụng để hoàn tất các âm mưu trên Biển Đông, đặt Việt Nam vào những thách thức mới.
Âm mưu viết lại luật pháp quốc tế
Sự kiện này cực kỳ quan trọng, Trung Quốc cho rằng tại đảo nhân tạo này Trung Quốc có quyền thiếp lập một vùng lãnh hải 12 hải lý mà các quốc gia tàu chiến đi qua đây phải xin phép Trung Quốc. “Nhưng theo Công ước Luật Biển năm 1982, các đảo nhân tạo dù xây dựng hợp pháp cũng không có quyền thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý” - ông Cương phân tích.
Tàu USS Fort Worth của Hải quân Mỹ hoạt động trên vùng Biển Đông tháng 5.2015. Ảnh: bloomberg |
Việc Trung Quốc xây dựng 7 đảo chìm ở Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn vi phạm luật pháp. Quan điểm của Mỹ theo thông lệ luật pháp quốc tế, các đảo nhân tạo không có quyền xác định lãnh hải 12 hải lý. Động thái của Mỹ gửi gắm một thông điệp với cộng đồng quốc tế là Mỹ đã chặn được âm mưu ý đồ của Trung Quốc là viết lại luật pháp quốc tế trong việc khẳng định chủ quyền trên biển và ven biển, chặn đứng hành động viết lại luật pháp quốc tế của Trung Quốc về đảo nhân tạo. “Chính hành động này đã làm cho quan hệ Trung-Mỹ cuối 2015 đến mức thấp nhất” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định”.
Bớt căng thẳng trong năm 2016
Dự đoán về quan hệ Mỹ - Trung năm 2016, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, sẽ không có những dấu hiệu căng thẳng như 2015 vì hai lẽ: Thứ nhất về phía Mỹ, năm 2016 là năm bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Obama phải tập trung mọi chuyện để kinh tế ổn định; thứ hai là dồn lực vào công tác đối ngoại để chuẩn bị cho bầu cử. Còn về đối ngoại với Nga- Mỹ, ông Obama muốn hợp tác mạnh mẽ hơn với Tổng thống Nga Putin để giải quyết cuộc xung đột cuộc chiến tranh ở Syria đồng thời hiện thực hóa thỏa thoạn P5+1 với Iran ký ngày 14.7.2015...
“Năm 2016, Mỹ sẽ không can dự nhiều vào vấn đề Biển Đông, xung đột Mỹ- Trung không còn căng thẳng như năm 2015. Tuy nhiên, vì Mỹ sẽ không làm căng như năm 2015 nên Trung Quốc sẽ lợi dụng điều này để tập trung làm cấp tập và hoàn chỉnh căn cứ quân sự phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là các đảo Chữ Thập và Gạc Ma, Vành Khăn, đặt Việt Nam vào những thách thức mới.
Tại những căn cứ quân sự này có nơi neo đậu của tàu ngầm, tàu chiến, có sân bay quân sự mà máy bay tiêm kích J-10, J-11 của Trung Quốc có thể cất hạ cánh được. Đặc biệt là máy bay ném bom tầm xa hiện đại nhất của Trung Quốc là H6 và H6K với tầm tác chiến là 1.800km, mang 9 tên lửa đạn đạo với tầm bắn 2.000km cũng có thể tác chiến được ở những sân bay quân sự này”- Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.
Việt Nam tiếp xúc 22 lần với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng trong năm 2015, được Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cung cấp ngày 29.12, năm 2015, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 22 lần tiếp xúc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội liên quan các việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam cũng trực tiếp đề cập đến những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, phê phán cụ thể hoạt động xây dựng, lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam; đồng thời giải thích làm rõ các hoạt động duy trì, sửa chữa và cải tạo các công trình cũ của Việt Nam tại Trường Sa là việc làm bình thường, hợp pháp, không vi phạm luật pháp và cam kết quốc tế. Báo cáo cho biết, trong năm 2015, nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình trái pháp luật quốc tế tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Hạ Anh Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi sát giàn khoan Hải Dương 981 Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E từ ngày 28.12 đến 10.2.2016. Trên trang web chính thức, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ nêu trên đồng thời yêu cầu các phương tiện đường thủy cấm tiến vào khu vực 2.000m xung quanh giàn khoan. Ngày 29.12, Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động cách ranh giới phân định trên vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 70 hải lý về phía đông. Cảnh sát biển Việt Nam luôn theo sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981. Theo Tướng Thu, đến thời điểm hiện nay, hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 chưa có diễn biến phức tạp. Hải Dương 981 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, có chiều dài 114m, chiều rộng 90m, chiều cao 137m và khối lượng 31.000 tấn. Diện tích mặt sàn của nó bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn. Trước đó, hồi tháng 5.2014, Trung Quốc cũng đã từng hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế phản đối, lên án mạnh mẽ. |