"Triển khai quân và vũ khí trên các đảo ở Biển Đông nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc và được luật quốc tế cho phép", South China Morning Post dẫn lời Trung tướng He Lei, phó hiệu trưởng Học viện Khoa học quân sự của quân đội Trung Quốc, phát biểu hôm 2/6.
Không che giấu hoạt động phi pháp ở Biển Đông
Trung tướng He Lei so sánh việc Trung Quốc triển khai quân đội tới các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông với việc Bắc Kinh đưa quân tới Hong Kong sau khi thành phố này được Anh trao trả về Đại lục năm 1997.
Chưa dừng lại ở đó, tướng Trung Quốc cáo buộc ngược lại Mỹ khi nói hoạt động của hai tàu chiến Mỹ trong vùng nước 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 27/5 là hành động "quân sự hóa" khu vực.
Phát biểu ngang ngược được He Lei đưa ra khi ông này cùng phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore, chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc Bắc Kinh, thông qua hoạt động quân sự tại vùng biển tranh chấp, đang "đe dọa và cưỡng ép" các nước láng giềng.
Đây là lần đầu tiên đại diện của Bắc Kinh thừa nhận công khai kế hoạch của Trung Quốc triển khai binh sĩ và vũ khí tại các thực thể ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị nước này chiếm đóng trái phép.
Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence trụ sở Canada, nhận định Trung Quốc đã nhận thấy không thể tiếp tục che giấu kế hoạch thực sự của nước này tại Biển Đông.
"Hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang đẩy nhanh tiến độ quân sự hóa các tiền đồn, chúng có thể được sử dụng làm căn cứ cho hải quân và không quân Trung Quốc trong tương lai", ông Chang bình luận bên lề Đối thoại Shangri-La.
Chuyên gia người Canada cho rằng những cơ sở hạ tầng được trang bị radar tại những bãi đá trên Biển Đông không thể là cơ sở dân sự mà thực chất là các tổ hợp quân sự quy mô lớn.
Đe dọa Đài Loan
Tại Shangri-La, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Đài Loan cũng nằm trong mục tiêu chỉ trích của đại diện Trung Quốc.
"Chính phủ và nhân dân Trung Quốc mạnh mẽ phản đối (Mỹ) bán vũ khí cho Đài Loan, phản đối mọi hình thức liên hệ cấp chính phủ nhằm tăng cường quan hệ với Đài Bắc, cũng như những hành động khác gây tổn hại nguyên tắc 'Một Trung Quốc'", tướng He phát biểu hôm 2/6.
Đại diện của Bắc Kinh lặp lại tuyên bố được các lãnh đạo đại lục nhiều lần đưa ra, cho biết nước này "có đủ quyết tâm, tự tin và năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thống nhất và lợi ích" của Trung Quốc.
Phát biểu mạnh mẽ của đại diện Trung Quốc là lời đáp trả tuyên bố của Bộ trưởng Mattis khẳng định "Mỹ kiên định cam kết cung cấp các thiết bị quốc phòng cho Đài Loan" và coi điều này phù hợp với "nghĩa vụ đặt ra trong Đạo luật Quan hệ với Đài Loan".
Chuyên gia Zhao Xiaozhuo từ Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc nhận định phát biểu của tướng He cho thấy quân đội Trung Quốc ngày càng tiến gần hơn tới ý tưởng "đòi lại" Đài Loan bằng biện pháp quân sự nếu Washington tiếp tục ủng hộ đảng Dân tiến hiện cầm quyền và có thiên hướng ủng hộ độc lập.
Cựu lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Andrew Yang cho biết Mỹ sẽ hành xử cẩn trọng trong quan hệ với Đài Loan để tránh nguy cơ khiêu khích Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự đối với hòn đảo 24 triệu dân này.
"Mỹ sẽ không liều lĩnh và làm những gì mà Đại lục coi là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Ủng hộ của Mỹ với Đài Loan luôn mạnh mẽ, nhưng chúng ta sẽ phải xem chính quyền của ông Trump phản ứng như thế nào. Mỹ sẽ phải xem xét lợi ích của chính họ", ông Yang nhận định.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)