Bắc Kinh đang ngồi trên lửa khi Tòa trọng tài thường trực The Hague (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines trong vài ngày nữa.
Trung Quốc muốn tranh thủ bất cứ sự ủng hộ nào, từ bất cứ ai. Đó không nhất thiết phải là một cường quốc quân sự hay kinh tế, miễn là một quốc gia nước ngoài có thái độ ủng hộ Trung Quốc Robert Ayson (giáo sư ĐH Victoria, New Zealand) |
Theo Reuters, dù Trung Quốc từng không dưới một lần khẳng định lập trường về vụ kiện do Philippines khởi xướng ở PCA, nhưng chưa bao giờ nước này lại ra những tuyên bố về Biển Đông dồn dập như thế trong những ngày qua.
Thông điệp chính của Bắc Kinh là: “Trung Quốc sẽ không bao giờ công nhận bất cứ phân xử nào về Biển Đông cho dù PCA có phán quyết như thế nào đi nữa”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả vụ kiện của Philippines “chỉ hơn một đòn khiêu khích chính trị” và “Manila không có ý định giải quyết tranh chấp mà đang cố tình chối bỏ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.
Sợ mất mặt
“Đương nhiên, sau khi PCA ra phán quyết, những người bạn của chúng tôi ở Philippines và Mỹ sẽ giảng giải về tính ràng buộc của nó, rằng Trung Quốc phải tuân thủ. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không lay chuyển mà khẳng định rằng kết quả đó là bất hợp pháp, không có tính ràng buộc và Trung Quốc sẽ không chấp nhận” - Thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân mô tả cách Trung Quốc sẽ phản ứng.
Ngoài việc bác bỏ tính nghiêm túc của PCA, Bắc Kinh còn cảnh báo Trung Quốc sẽ tự vệ nếu Mỹ cứ nhất định leo thang căng thẳng.
“Người Mỹ nên nhớ rõ lịch sử của chính mình ở Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ phản kháng nếu Mỹ gây nên xung đột trong khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố. Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ ngưng các hoạt động tuần tra “đe dọa an ninh hàng hải và hàng không của Trung Quốc”.
Theo Radio New Zealand, ông Robert Ayson, giáo sư ĐH Victoria (New Zealand), quan sát thấy Bắc Kinh đã đẩy mạnh mặt trận ngoại giao và quan hệ công chúng trong những tuần gần đây để tranh thủ sự ủng hộ cho yêu sách chủ quyền của mình tại Biển Đông.
Trong một sự kiện ít người chú ý tuần trước, thủ tướng Vanuatu (một quần đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương) ra tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc! “Như thế có nghĩa Trung Quốc cũng dự đoán trước phán quyết của Tòa The Hague sẽ chống lại họ, và Bắc Kinh đang cố tập hợp một nhóm các quốc gia ủng hộ mình.
Trung Quốc muốn tranh thủ bất cứ sự ủng hộ nào, từ bất cứ ai. Đó không nhất thiết phải là một cường quốc quân sự hay kinh tế, miễn là một quốc gia nước ngoài có thái độ ủng hộ Trung Quốc” - ông Ayson nhận định.
Trước đó, bà Hoa Xuân Oánh tự khẳng định “nhiều thành viên cộng đồng quốc tế” ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Nhưng ngay cả với mong ước “đơn giản” như thế, Bắc Kinh cũng không dễ đạt được.
Tháng trước, Trung Quốc thông báo Fiji (cũng là một quốc gia - quần đảo nhỏ trên Thái Bình Dương) đã đứng ra ủng hộ họ trong chuyện Biển Đông, nhưng ngay lập tức Fiji phủ nhận điều này.
Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ leo thang
Theo báo The Guardian, giới quan sát dự báo căng thẳng trên Biển Đông có thể sẽ leo thang trong những tuần sắp tới sau khi PCA ra phán quyết. Các quan chức phương Tây lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách leo thang các hoạt động xây dựng và cải tạo đất tại bãi cạn Scarborough chiếm giữ trái phép từ Philippines.
Đó là chưa kể khả năng Trung Quốc sẽ đi thêm một bước thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như cách họ đã làm tại khu vực tranh chấp với Nhật trên biển Hoa Đông.
Bắc Kinh đang rất dè chừng mối quan tâm ngày càng tăng của Mỹ đối với các diễn biến trong khu vực. Hành động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của quân đội Mỹ đã bao lần khiến các tướng lĩnh Trung Quốc tức tối.
Nhưng khác với những lần trước, vừa qua là lần đầu tiên Trung Quốc điều động hai chiến đấu cơ chặn đầu một máy bay trinh sát quân sự EP3 của Mỹ tại Biển Đông.
Hành động này Lầu Năm Góc mô tả là “không an toàn”, và nó cho thấy Bắc Kinh ngày càng liều lĩnh. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc thậm chí đe dọa bất cứ cuộc chạm trán nào như thế trong điều kiện hiện nay có thể dẫn đến xung đột vượt tầm kiểm soát.
“Nếu Lầu Năm Góc tiếp tục các chiến dịch tuần tra (ở Biển Đông) thì với sức mạnh ngày càng gia tăng của mình, quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn chặn... Nếu vụ việc tái diễn, thảm họa nó gây ra sẽ lớn hơn hồi năm 2001 khi quan hệ Mỹ - Trung chưa căng thẳng như bây giờ” - báo Trung Quốc giở giọng đe dọa.
Năm 2001, một chiếc EP3 của Mỹ từng va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc trên vùng trời Biển Đông và buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Vụ việc khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và gây căng thẳng quan hệ một thời gian dài sau đó.
Mỹ sẽ làm căng hay xuống nước? Washington hiện đang chịu một áp lực nhất định từ giới quân đội trong việc đưa ra một phản ứng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Theo The Navy Times, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - đô đốc Harry Harris đề xuất “phản ứng mạnh” trước hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông, cụ thể là tuần tra trên không và trên biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Hiện nay Nhà Trắng đã cho phép các tàu chiến Mỹ thực hiện việc di chuyển trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo Trung Quốc cải tạo nhưng với điều kiện “đi qua vô hại” - tức các tàu Mỹ không được cho chiến đấu cơ xuất kích, dùng các hệ thống phòng không hoặc diễn tập bắn đạn thật. Đô đốc Harris muốn các giới hạn này được dỡ bỏ. Một số thành viên Quốc hội Mỹ cũng có cùng tiếng nói như ông Harris, tiêu biểu là thượng nghị sĩ John McCain - chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. “Hành động né tránh rủi ro của Nhà Trắng dẫn đến một chính sách thiếu dứt khoát trong việc kiềm chế tham vọng bá chủ hàng hải của Trung Quốc - điều khiến các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực lo lắng. Những thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc đối với một trật tự thế giới tuân theo pháp quyền phải bị đáp trả bằng một phản ứng dứt khoát, thể hiện được quyết tâm của Mỹ và trấn an khu vực về những cam kết của chúng ta” - ông John McCain kêu gọi. |
Theo Minh Trung (Tuổi Trẻ)