Chưa rõ đã có bao nhiêu trẻ em được tiêm những liều vaccine này, để phòng ba loại bệnh gồm bạch hầu, uốn ván và ho gà, thông qua hệ thống y tế dự phòng do nhà nước chi trả, SCMP nói.
Nhưng thông báo về vụ việc xuất hiện chỉ 5 ngày sau khi cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia phát hiện các dữ liệu giả mạo trong danh mục sảm phẩm của Changsheng Bio-technology, công ty có tên trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, liên quan đến 113.000 liều vaccine phòng bệnh dại. Vi phạm này được xem là rất nghiêm trọng, đến mức Cơ quan quản lý Dược phẩm Trung Quốc phải thu hồi giấy phép hoạt sản xuất vaccine phòng dại và tiến hành điều tra hình sự.
Trường Sinh Bio-technology là cái tên mới nhất trong một loạt bê bối liên quan đến lĩnh vực sản xuất dược phẩm ở Trung Quốc trong những năm qua. Tháng 11/2017, cơ quan quản lý dược tiết lộ một nhà sản xuất vaccine lớn là viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán 400.5520 liều DPT kém chất lượng tới các tỉnh Trùng Khánh và Hà Bắc. Chưa rõ đã có bao nhiêu trẻ em đã được tiêm những liều thuốc này và cho đến nay, hình phạt đối với viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán chưa được công bố.
Trong cả hai trường hợp nói trên, vaccine DPT đều được các cơ quan y tế địa phương mua vào để sử dụng trong các chương trình tiêm chủng bắt buộc. Những liều vaccine này bị nói là không hiệu quả, nhưng chưa rõ nó có gây tổn hại về sức khỏe hay không. Chưa có báo cáo về các trường hợp trẻ bị ốm sau khi tiêm.
Được chính phủ trợ giá, vaccine DPT được tiêm cho trẻ trên khắp Trung Quốc. Trẻ sơ sinh thường được tiêm ba mũi.
Một ông bố ở Quảng Châu có con gái đã tiêm 4 liều DPT do cả công ty Trường Sinh lẫn viện Vũ Hán sản xuất vào các năm 2015 và 2017, nói anh rất tức giận và không bao giờ tin tưởng vào vaccine sản xuất ở Trung Quốc nữa. Người đàn ông họ Lâm này nói anh dự định đưa con gái qua Hong Kong để tiêm vaccine trong những lần tới. “Gia đình tôi sẽ không sử dụng vaccine sản xuất ở Đại lục cho đến khi chính phủ có các bước đi thực chất và nghiêm túc giải quyết chuyện này”, anh Lâm nói.
Theo Anh Minh (Tiền Phong)