Không thể sao chép
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Sputnik, Tổng giám đốc Xí nghiệp phát triển các hệ thống dữ liệu doanh nghiệp 766 của Cục chế tạo-sản xuất thiết bị (UPTK) Dmitry Ostapchuk Nga cho biết, chuyên gia nước ngoài sẽ không thể sao chép công nghệ độc đáo của Nga, đặc biệt là phần mềm được cài đặt cho gia đình robot Uran.
"Không có gì bí mật là thành phần chính của bất kỳ tổ hợp nào tương tự đều là phần mềm, và phần mềm này là những gì không thể sao chép được. Vì vậy chúng tôi không phải lo lắng là ai đó có thể thấy một số chip nổi tiếng của chúng tôi. Bởi vì tháo những thứ khâu vào bên trong nó là điều không thể", ông Ostapchuk cho biết, khi được hỏi, liệu công ty có lo ngại rằng các nước mua "Uran" sẽ sao chép công nghệ và bắt đầu sản xuất với giá của họ rẻ hơn hay không.
Ông Dmitry Ostapchuk nói thêm rằng, một số nước ngoài hiện nay quan tâm tích cực trong việc mua sản phẩm của UPTK, bởi vì tính đến nay, không một quốc gia nào trên thế giới sở hữu loại robot quân sự phân khúc chiến thuật (từ 5 tấn đến 30 tấn) cấp độ này như của Nga.
Tuyên bố của vị tổng giám đốc này được đưa ra sau khi Cục trưởng Cục bảo mật của Rosoboronexport, Valery Varlamov nói với các phóng viên rằng các nhà xuất khẩu bắt đầu xúc tiến để bán ra nước ngoài robot đã tham gia quá trình phá mìn tại Palmyra (Syria) Uran-6, cũng như có kế hoạch xuất khẩu cho phiên bản chiến đấu Uran-9 và phiên bản cứu hỏa Uran-14.
Ngay sau tín hiệu sẵn sàng xuất khẩu những cỗ máy chiến đấu của Nga được công khai, Sputnik cho biết, khách hàng đầu tiên đặc biệt quan tâm đến Uran-9 chính là Trung Quốc. Mặc dù vậy, nguồn tin không tiết lộ thêm bất cứ thông tin nào về vấn đề này.
Thay đổi hình thức tác chiến
Không chỉ Nga, hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng đang đầu tư cho việc phát triển và mua sắm robot chiến đấu. Vậy robot quân sự sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chiến tranh tương lai? Các chuyên gia nghiên cứu quân sự cho rằng, không giống với việc nâng cao hiệu suất sản xuất, các robot khi được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự sẽ nâng cao hiệu quả tác chiến.
Trước mắt, việc sử dụng robot trong quân đội Mỹ đã đem đến năng lực tác chiến nhất định. Thống kê cho thấy, tính đến năm 2007, quân đội Mỹ đã đưa ít nhất 10 robot thông minh hoạt động tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Kể từ năm 2003, quân đội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu cải tiến robot chiến đấu Talon trên cơ sở nguyên bản của robot này với chức năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát và rải mìn.
Sau khi cải tiến, Talon có thể mang súng trường tự động M240 hay M249. Ngoài ra, nó còn được lắp đặt máy ảnh và ống nhòm nhìn đêm. Talon đủ khả năng thực hiện 24 giờ chiến đấu liên tục, hiệu quả tác chiến cao hơn nhiều so với binh sỹ thông thường.
Việc sử dụng số lượng lớn robot quân sự sẽ nâng cao khả năng sinh tồn của binh sỹ trên chiến trường. Trong một số cuộc chiến tranh cục bộ gần đây, các robot quân sự như thiết bị trinh sát không người lái, vũ khí siêu nhỏ tự động, xe xử lý bom mìn... đã được đưa vào sử dụng rộng rãi giúp giảm bớt tỷ lệ binh sỹ thương vong.
Ngoài ra, các robot này còn được triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tác chiến trong môi trường đô thị và chống khủng bố. Để giảm bớt mức độ nguy hiểm cho binh sỹ, trong chiến tranh Iraq, quân đội Mỹ đã điều robot Sword chủ yếu sử dụng trong tác chiến đô thị. Bên cạnh đó, Mỹ còn nghiên cứu, phát triển robot cầm tay PackBot có tính năng trinh sát, tìm kiếm các khu vực hang động, bên trong khối kiến trúc hay đường thoát nước.
Nhằm tăng cường khả năng tác chiến linh hoạt cho binh sỹ, thích ứng yêu cầu hình thái mới trong chiến tranh tương lai, xét từ góc độ thực hiện chiến đấu, các robot quân sự về cơ bản đã bao quát 4 môi trường tác chiến lớn ngoại trừ không gian điện từ.
Mỹ hiện nay đã nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ robot quân sự thực hiện nhiệm vụ trong môi trường trên biển, trên đất liền và trên không, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh "robot hóa chiến tranh". Chiến binh robot chiếm ưu thế hơn hẳn trên các mặt đột kích, tiến công chính xác, tác chiến trong thành phố so với binh sỹ thông thường.
Một số chuyên gia Mỹ nhận định, vũ khí trung tâm của tác chiến mặt đất trong thế kỷ 20 là xe tăng, trong thế kỷ 21 rất có thể là robot quân sự" cho thấy, trong tương lai gần, tác chiến "không người" sẽ xuất hiện trong không gian 3 chiều, cuối cùng sẽ tạo ra cuộc cách mạng làm thay đổi căn bản phương thức tác chiến hiện nay.
Tuy nhiên, dù Mỹ đi tiên phong nhưng lại bị đánh giá là đạt được ít thành tựu hơn so với Nga trong công nghệ tối tân này. Tại cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, lần đầu tiên Nga mang robot chiến đấu tham chiến và đã đạt được kết quả không ngờ. Và chính thức trở thành đối trọng với Washington.
Theo Đan Nguyên (Đất Việt)