Giàn khoan dầu Lam Kình 1 (Bluewhale 1) được cho là lớn hơn, nhanh hơn và có thể khoan sâu hơn các loại giàn khoan hiện hữu.
Theo kênh tài chính CCTV-2 của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, nước này đã khánh thành giàn khoan dầu mang tên Lam Kình (cá voi xanh) hôm 4/3. |
|
Đây là sản phẩm của tập đoàn công trình biển CIMC Raffles ở tỉnh Sơn Đông. CCTV cho biết Lam Kình 1 là giàn khoan biển sâu loại “bán tiềm” (nửa nổi nửa chìm) lớn nhất thế giới với trọng lượng 42.000 tấn, chiều cao từ đáy đến đỉnh là 118 m, tương đương tòa nhà 37 tầng. |
|
giàn khoan có diện tích mặt sàn tương đương một sân bóng với hệ thống mũi khoan tinh vi. Độ sâu tác nghiệp tối đa là 3.653 m, độ sâu mũi khoan có thể đạt đến 15.240m. Theo hãng sản xuất CIMC Raffles, Lam Kình 1 có thể hoạt động ở mọi vùng biển sâu trên thế giới. |
|
Để thực hiện tác nghiệp, giàn khoan phải mang theo 370 ống thép lớn, mỗi ống dài hàng chục mét, nhiều hơn 30% so với giàn khoan thế hệ 6. Tổng chiều dài cáp điện lên tới 1.200 km. |
|
CCTV cho biết giàn khoan Lam Kình 1 có giá thành 700 triệu USD, tương đương giá 2 chiếc máy bay Airbus A380. Đồng thời, hiệu suất tăng ít nhất 30% so với trước. |
|
Theo South China Morning Post, giàn khoan Lam Kình 1 "được thiết kế riêng để hoạt động trên Biển Đông, nơi có những mỏ dầu chưa khai thác ở độ sâu 3.000 m hoặc hơn dưới mực nước biển". |
|
Giàn khoan đã được vận chuyển đến thành phố cảng Yên Đài ở Sơn Đông hôm 13/2 để ban giao cho khách hàng là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. |
|
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến những vùng biển tranh chấp từng gây ra quan ngại sâu sắc cho các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới quan sát xem đây là hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam nghiêm trọng nhất trong hơn 20 năm quan hệ Việt - Trung. |
|
China Daily cho rằng nếu giàn khoan Hải Dương 981 được ví như iPhone 6 thì Lam Kình 1 đã được nâng cấp lên thành iPhone 7. Tuy nhiên, Lam Kình 1 là giàn khoan thăm dò, còn giàn khoan khai thác dầu khí lớn nhất thế giới hiện tại là Sakhalin-1 của Nga với trọng lượng 200.000 tấn. |
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)