Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un hôm 20.8 đã ra lệnh đặt "cả nước vào thời chiến" và yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu. Ảnh minh họa. |
"Tôi hy vọng cả hai miền Triều, Hàn sẽ kiềm chế. Tôi hy vọng họ sẽ giải quyết căng thẳng, bất đồng thông qua đối thoại chứ không đối đầu", Đại sứ Trung Quốc Qiu Guohong trả lời truyền thông sáng nay khi được hỏi quan điểm của Bắc Kinh về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Căng thẳng đã bất ngờ leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau vụ đấu pháo dữ dội nhưng không gây thương vong giữa quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc tại biên giới đất liền phía tây của hai nước hôm qua 20.8. Các chuyên gia nhận định rằng, việc đấu pháo trực tiếp qua biên giới đất liền giữa hai miền Triều Tiên là cực kỳ hiếm xảy ra, chủ yếu là do lãnh đạo cả hai bên đều nhận thức rõ nguy cơ leo thang quân sự đột ngột, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thảm khốc.
Trung Quốc lâu nay vẫn được xem là đồng minh số 1 của Triều Tiên dù có nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa 2 nước dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un không còn mặn mà như xưa. |
Trước đó, Mỹ và Liên Hợp Quốc cũng đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nguy hiểm sau vụ đấu pháo giữa hai miền Triều, Hàn.
Về phía Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cáo buộc "những hành động khiêu khích" của Triều Tiên chỉ làm gia tăng căng thẳng.
"Những loại hành động khiêu khích chỉ làm căng thẳng leo thang. Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế hành vi và lời lẽ đe dọa hòa bình và an ninh khu vực", ông John Kirby tuyên bố giới chức Mỹ đang giám sát chặt chẽ tình hình.
Trong khi đó, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Eri Kaneko cho biết, các quan chức Liên Hợp Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình "với sự quan ngại sâu sắc".
Ngày 20.8, vài giờ sau vụ đấu pháo ở biên giới đất liền phía tây, lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh cho các đơn vị quân đội đóng ở tiền tuyến phải ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Nhà lãnh đạo Kim cũng đã gửi một tối hậu thư thông qua đường dây nóng quân sự, cho Seoul 48 giờ để dỡ bỏ các loa phóng thanh phát thông điệp tuyên truyền qua biên giới, nếu không Triều Tiên sẽ phát động thêm hành động quân sự. Hạn chót mà tối hậu thư đưa ra là 17h ngày mai (22.8). Tuy nhiên, Seoul đã bác bỏ tối hậu thư này.
Một binh sĩ Hàn Quốc thuộc một trạm kiểm soát quân sự ở thành phố biên giới Paju kéo lại rào chắn trên một con đường dẫn đến khu công nghiệp chung Kaesong hôm nay 21.8.Seoul đã ra lệnh hạn chế việc ra vào Kaesong trong bối cảnh căng thẳng Triều, Hàn leo thang. |
Theo hãng tin Yonhap, thông điệp trên do Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo ký tên.
"Chính phủ đã tuyên bố rõ ràng rằng, chương trình tuyên truyền qua loa phóng thanh của Hàn Quốc tuần này là hành động đáp trả vụ nổ mìn ở biên giới Triều, Hàn làm hai binh sĩ nước này bị thương gần đây. Nếu Triều Tiên sẵn sàng giải quyết căng thẳng, họ nên thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi về những hành vi khiêu khích mới nhất", Yonhap dẫn thông điệp của Seoul gửi tới Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, thông điệp cũng nhấn mạnh rằng, Hàn Quốc "sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích từ Triều Tiên".
Theo Yonhap, Bình Nhưỡng cũng đã khước từ yêu cầu xin lỗi của Seoul.
Trong khi đó, phát biểu trong phiên họp khẩn của hội đồng an ninh ở Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cảnh báo, Triều Tiên sẽ có thêm hành động quân sự khiêu khích sau 17h ngày mai - thời điểm hạn chót của tối hậu thư Bình Nhưỡng đưa ra hết hiệu lực. Quân đội Hàn Quốc đang được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ.