Trung Quốc "hạ nhiệt" vấn đề Biển Đông vì khủng hoảng tài chính?

30/08/2015 18:00:58

Khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến chính sách ngoại giao của nước này trong thời gian sắp tới, trong đó có vấn đề Biển Đông, theo tạp chí National Interest (Mỹ).

Khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến chính sách ngoại giao của nước này trong thời gian sắp tới, trong đó có vấn đề Biển Đông, theo tạp chí National Interest (Mỹ).


Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Khoản nợ công cao chót vót tính từ năm 2009 của Trung Quốc, xấp xỉ gần 300% trên GDP, vốn là tỉ lệ thảm họa đối với các quốc gia có thu nhập trên trung bình, vẫn chưa gây ra khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, bong bóng bất động sản của nước này, được cho là lớn nhất thế giới nếu tính vào số lượng dự án đã hoàn thành nhưng không có người ở, có đang xì hơi nhưng cũng chưa đến mức bị bể, theo National Interest.

Tạp chí Mỹ cho biết nền kinh tế “có vẻ như bất khả chiến bại” kiểu này đã khiến chính phủ Trung Quốc mạnh dạn tiến hành một chính sách ngoại giao mới đầy tham vọng, nhưng cũng đầy rủi ro trong vài năm qua.

“Nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho rằng Mỹ và các nước phương Tây đang lâm vào tình trạng suy thoái không ngừng, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn cản… Sự cao ngạo này đã khiến Bắc Kinh, thay vì tiếp tục duy trì chính sách tránh bị chú ý, đã chuyển sang tăng cường các mối quan hệ kinh tế ở nước ngoài và bắt đầu công khai thách thức trật tự an ninh do Washington dẫn đầu ở Đông Á”, theo National Interest.

Đối mặt với đối thủ có trong tay một lượng dự trữ ngoại tệ lên đến gần 4.000 tỉ USD, tất cả những gì các nước phương Tây có thể làm là lo lắng trong lòng và công khai chỉ trích các chính sách môi trường và nhân quyền của Bắc Kinh trong các hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

“Bước đi táo bạo nhất mà Trung Quốc đã triển khai khi đã trở thành siêu cường kinh tế chính là cách mà nước này xử lý các tranh chấp chủ quyền ở Đông Á”, tạp chí Mỹ cho biết.

“Trong khi các lãnh đạo trước đây đều cố ý phớt lờ các tranh chấp khó giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ xung đột tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như ở Biển Đông, giới cầm quyền Trung Quốc hiện tại đã triển khai một đường lối mang đầy tính đối đầu vì cho rằng với sức mạnh kinh tế và quân sự, Trung Quốc không cần phải tôn trọng các lợi ích và các vấn đề nhạy cảm của Mỹ và các đồng minh trong khu vực”, theo National Interest.

Kết quả là trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng bởi hành động đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tr6n biển Hoa Đông, bao trùm cả Senkaku/Điếu Ngư và hành động phớt lờ luật pháp quốc tế để xây dựng phi pháp hàng loạt đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Tàu hải giám Trung Quốc phun nước vào tàu tuần duyên Việt Nam để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam hồi tháng 5.2014 - Ảnh: Reuters

 
Sẽ phải "xuống thang" vì khủng hoảng kinh tế?

National Interest nhận định với việc tăng trưởng kinh tế cuối cùng đã chững lại và các điểm yếu đang bắt đầu bị phơi bày, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao hung hăng hay không.

“Dựa vào cách hành xử của giới lãnh đạo Trung Quốc từ trước tới nay, có vẻ như điều tích cực duy nhất có thể phát sinh khi kinh tế nước này bị suy thoái là họ sẽ trở nên bớt hung hăng về ngoại giao”, tạp chí Mỹ cho hay.  

Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận các rủi ro ngoại giao to lớn, các lãnh đạo Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông đều chọn cách làm việc dựa theo chủ nghĩa thực dụng thận trọng, National Interest bình luận.

Ba vị tiền nhiệm trước ông Tập, gồm ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều nhận thấy rõ chênh lệch về sức mạnh giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Do đó, các lãnh đạo này đã có nhiều nhượng bộ đáng kể về mặt ngoại giao khi kinh tế suy yếu buộc họ phải tính tới chính sách ngoại giao mang tính hợp tác.

“Đơn cử là việc ông Đặng đã không để cho việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cản trở quan hệ thương mại Trung -Mỹ phát triển. Ông Giang đã có một sự kiềm chế đáng kể đối với vấn đề Đài Loan hồi cuối những năm 1990 để đổi lấy việc Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, National Interest cho biết.

Nếu tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn của Trung Quốc đòi hỏi nước này phải tăng lượng hàng xuất khẩu sang phương Tây, thì khó có thể hình dung ra việc Bắc Kinh đạt được điều này trong khi vẫn cương quyết duy trì các đường lối ngoại giao hung hăng tại Biển Đông, tạp chí Mỹ bình luận.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters


Ngoài ra, việc kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng sẽ hạn chế đáng kể khả năng tài trợ cho các dự án kinh tế quy mô lớn, nhưng đầy rủi ro của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển.
 
“Điều quan trọng hơn cả là Trung Quốc sẽ buộc phải tái phân bổ các nguồn tài chính để duy trì tốc độ tăng trưởng trong nước nếu kinh tế cứ tiếp tục suy yếu. Do đường lối chính sách của Trung Quốc dựa vào sức mạnh kinh tế, nên nếu Chủ tịch Tập lâm vào cảnh bị buộc phải lựa chọn giữa danh tiếng trên trường quốc tế và sự sống còn của chính quyền, ai cũng đều biết ông ta sẽ chọn cái nào”, National Interest kết luận.

>> Trèo cao ngã đau, Trung Quốc đối diện "Đại Khủng hoảng" 2015

Theo Hoàng Uy (Thanh Niên Online)

Nổi bật