Binh sĩ Trung Quốc thực hành rải thủy lôi |
Ông Lyle Goldstein, Giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ, trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí National Interest ngày 14.10.cho biết Trung Quốc định dùng thủy lôi phong tỏa hoàn toàn Đài Loan trong trường hợp tấn công đảo này.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, thủy lôi và máy bay ném bom chiến lược B-29 là hai loại vũ khí lợi hại giúp Mỹ phong tỏa và làm kiệt quệ nền kinh tế cũng như tinh thần của Nhật Bản.
Tới chiến tranh Triều Tiên, Triều Tiên đã sử dụng hiệu quả thủy lôi để chống lại liên quân do Mỹ đứng đầu khi phong tỏa cảng Wonsan, dù Mỹ vẫn có thể mở được một số luồng tàu an toàn để thoát khỏi phong tỏa của Triều Tiên.
Trong cuộc chiến vùng vịnh lần đầu tiên, hai tàu chiến của Mỹ đã bị hư hại nghiêm trọng khi va phải thủy lôi của Iraq.
Theo ông Goldstein, dù thủy lôi hiệu quả như vậy trong các cuộc chiến trước đây, nhưng các nhà phân tích quốc phòng Mỹ thường bỏ lơ việc sử dụng thủy lôi vốn vẫn là một trong những nguyên lý cốt lõi trong học thuyết hải quân của Trung Quốc.
Tiền thân của thủy lôi ngày nay đã được người Trung Quốc sử dụng từ thời Minh trong thế kỷ 14. Dù ngày nay Bắc Kinh có nhiều sự lựa chọn hơn như tên lửa chống hạm hiện đại, tên lửa chống hạm siêu âm... nhưng vũ khí chiến thuật cốt lõi nhằm chống hạm có thể lại là thủy lôi.
Vài năm trước, một Giáo sư từ Học viện tàu ngầm Thanh Đảo đã nói với Tạp chí Ordnance Industry Science Technology (một tạp chí khoa học quân sự của Trung Quốc) rằng các thủy lôi ngày nay vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trong học thuyết hải quân của Trung Quốc.
Sử dụng bài học từ tàu USS Samuel B Roberts, một chiến hạm tên lửa hiện đại của Mỹ bị thủy lôi của Iraq làm thiệt hại nặng vào năm 1988, vị giáo sư này cho rằng chỉ cần một tàu cá hoán cải là có thể nhanh chóng thực hiện cuộc phong tỏa bằng thủy lôi.
Giáo sư Goldstein cũng nói rằng, theo các thông tin về sức mạnh của quân đội Trung Quốc hiện nay, nếu xảy ra một cuộc chiến với Đài Loan , chỉ trong 4-6 ngày Trung Quốc có thể rải từ 5.000 - 7.000 thủy lôi xung quanh Đài Loan.
Theo Thiên Hà (Một Thế Giới)