Theo bảng xếp hạng mới của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong năm 2020, Trung Quốc nộp 68.720 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, tăng 16% so với năm 2019 bất chấp dịch Covid-19. Gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei cũng là công ty đứng đầu 4 năm liên tiếp về số lượng hồ sơ.
Mỹ tiếp tục đứng vị trí thứ hai, với số lượng hồ sơ tăng 3%, đạt 59.230. Trận chiến công nghệ giữa hai cường quốc này chắc chắn còn “nóng” lên nữa trong thời gian tới. Nhật Bản xếp thứ ba dù số lượng hồ sơ giảm 4% xuống 50.520.
Trung Quốc đứng đầu thế giới vào năm 2020, chấm dứt ngôi vương bốn thập kỷ của nước Mỹ khi nộp nhiều hơn 1.000 hồ sơ. Thành tích này đạt được là do chương trình hiện đại hóa ngành công nghiệp của Bắc Kinh, “Made in China 2025”. Được công bố năm 2015, chương trình tài trợ dồi dào cho các doanh nghiệp trong nước với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành siêu cường tài sản sở hữu trí tuệ.
Tương tự, Hàn Quốc cũng vượt Đức để đứng vị trí thứ tư. Chính phủ Hàn Quốc năm ngoái giới thiệu sáng kiến New Deal mới, tập trung đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và 5G. Hàn Quốc nộp 20.060 hồ sơ.
Các quốc gia châu Á chính là trung tâm của đổi mới công nghệ. Trong số 50 công ty hàng đầu về số lượng hồ sơ, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn 60%. LG Electronics của Hàn Quốc tăng 6 bậc, lên vị trí thứ tư nhờ nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ.
Học viện Trung Quốc cũng nổi bật khi nói tới số lượng hồ sơ. Trong số 10 tổ chức giáo dục hàng đầu, 9 đặt tại Trung Quốc hoặc Mỹ. Đại học Thâm Quyến xếp thứ ba, trong khi Đại học California đứng đầu.
Theo Hiệp ước Sáng chế của WIPO, một hồ sơ nộp tại một nước thành viên được xem là hồ sơ nộp tại nhiều nước. Dữ liệu của WIPO được xem là tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá sự đổi mới kỹ thuật của một doanh nghiệp hay trường học.
Trên toàn cầu, tổng số hồ sơ tăng 4%, đạt 275.900 – cao nhất mọi thời đại. Đông đảo nhất là hồ sơ liên quan tới công nghệ máy tính, liên lạc điện tử. Hồ sơ thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ nghe nhìn khác tăng 30%. Nó phần nào cho thấy nhu cầu giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 đã góp phần tăng tốc phát triển công nghệ.
Theo Du Lam (ICTNews)