Trong hướng dẫn chiến lược an ninh của Mỹ được ban hành gần đây đã chỉ ra rằng, trước những thách thức chiến lược của một Trung Quốc ngày càng hung hăng, Mỹ sẽ chuyển trọng tâm răn đe bằng vũ khí thời chiến tranh Lạnh, sang răn đe bằng vũ khí công nghệ cao.
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ đã triển khai 250.000 lính Mỹ đóng tại Tây Đức, làm lực lượng răn đe và ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ Liên Xô.
Đồng thời, Mỹ tích cực phát triển lực lượng hạt nhân, lúc đỉnh điểm, Mỹ có tới 31.000 đơn vị vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, loại vũ khí răn đe hiệu quả của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, chính là các tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược B-52.
Cuộc cạnh tranh địa chính trị của Mỹ và Trung Quốc diễn ra không chỉ trên đất liền, mà còn trên biển, trong không gian vũ trụ và không gian mạng. Hải quân Mỹ với thế mạnh là luôn là bá chủ trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu; nhưng sức mạnh hải quân của Trung Quốc cũng không thể xem thường.
Tất cả những chuyên gia hoạch định chiến lược của Mỹ đều có sự nhất trí đồng thuận cao, khi cho rằng hải quân Mỹ là “lực lượng quân sự quan trọng nhất, để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ”; vì vậy phải tập trung đầu tư.
Sang thế kỷ 21, tàu sân bay không phải là vũ khí chủ lực của hải quân Mỹ, vũ khí chủ lực là 92 tàu tuần dương và khu trục hạm, được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, đang hoạt động trên tất cả các đại dương, thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải”.
Những tàu chiến này đảm bảo quyền thống trị của Mỹ trên các đại dương và hộ tống hạm đội (kể cả tàu sân bay) khỏi các mói đe dọa tấn công bằng tên lửa và đường không.
Vì vậy, các nhà hoạch định chiến lược Mỹ khuyến cáo Chính phủ Mỹ nên xem xét cẩn thận dự án đầu tư, để có thể duy trì ưu thế hàng hải của mình, đó là các tàu chiến đấu trang bị hệ thống chiến đấu Aegis. Tuy nhiên, các tàu Aegis duy nhất hiện đang được đóng, chỉ có tàu khu trục lớp Burke.
Trên thực tế, sức mạnh răn đe đáng tin cậy nhất, không phải là năng lực hải quân của Mỹ, mà là sức mạnh không quân của Mỹ. Trong ít nhất ba thập kỷ qua, Mỹ đã thống trị lĩnh vực hàng không.
Gần đây, Trung Quốc đã sở hữu những trang bị mạnh mẽ, tương tự như máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ; nếu Washington muốn kiềm chế Trung Quốc, họ phải phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, nhằm phá tan chiến lược phòng thủ chống tiếp cận/phong tỏa khu vực của Bắc Kinh.
Mỹ đã ở trong tâm thế “cửa trên” trong vài thập kỷ qua và không nghĩ rằng họ sẽ phải đối mặt với bất kỳ nguy hiểm nào. Washington luôn cho rằng, họ luôn chiếm ưu thế trên không. Nhưng Mỹ đừng vội quên, quân đội Mỹ đã mất 3.744 máy bay cánh bằng tại Việt Nam.
Kế hoạch hiện tại của quân đội Mỹ là tiếp tục duy trì 76 máy bay ném bom chiến lược B-52 cho đến ít nhất là năm 2050. Những chiếc máy bay ném bom này, thậm chí không thể chống lại hệ thống phòng không SAM-2 hay chiến đấu cơ MiG-21 tại Việt Nam.
Ước tính, tổng chi phí thay động cơ cho số B-52, đã lên tới 1,4 tỷ USD; nhưng B-52 vẫn là mẫu máy bay thời kỳ đầu của thời đại máy bay phản lực, nên hiệu suất của máy bay ném bom B-52 thấp hơn nhiều trong khi chi phí lại rất cao.
Ngược lại, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sẽ là một trong những trang bị quan trọng để răn đe Trung Quốc hiệu quả. Chi phí bay của loại máy bay này thấp hơn so với B-52, và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng được trang bị F-35.
Đồng minh thân cận của Mỹ là Anh cũng được trang bị F-35B trên tàu sân bay Queen Elizabeth, và sẽ được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để phối hợp với Hải quân Mỹ tăng cường răn đe Trung Quốc.
Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải đối phó với một liên minh không quân với hiệu quả chiến đấu cao và khả năng sống sót mạnh mẽ; đây mới là biện pháp răn đe hiệu quả nhất đối với Trung Quốc. Nguồn ảnh: Pinterest.
Theo Tiến Minh (Tri Thức & Cuộc Sống)