Theo SCMP, Trung Quốc đang hỗ trợ cả 2 phe ở Myanmar trong cuộc chiến chống COVID-19 và ngày càng củng cố ảnh hưởng của nước này tại quốc gia phía nam.
Bắc Kinh đã chuyển giao gần 13 triệu liều vaccine cho chính quyền quân đội - lực lượng đã lật đổ bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2 và khiến Myanmar cùng hệ thống y tế của nước này rơi vào hỗn loạn.
Trung Quốc bí mật ra tay
Chính quyền quân đội đã tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, trong khi ở phía bên kia của biên giới dài 2.000 km, các quan chức Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến "không ca nhiễm" với dịch Covid-19.
Vì vậy, Bắc Kinh đã bí mật vận chuyển hàng nghìn liều vắc xin, nhân viên y tế và vật liệu xây dựng cho các trung tâm cách ly của nhóm nổi dậy.
Đại tá Naw Bu, phát ngôn viên của lực lượng Quân đội Độc lập Kachin (KIA), nói: "Nhân viên Chữ thập Đỏ Trung Quốc thỉnh thoảng đến giúp chúng tôi trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid".
"Nhưng họ không ở lại", viên đại tá nói thêm. "Họ chỉ đến một lúc rồi quay trở lại Trung Quốc". Được biết, nhóm KIA có số lượng lên tới hàng nghìn người và hiện kiểm soát phần lãnh thổ trên những ngọn đồi giàu ngọc bích phía bắc Myanmar.
KIA là một trong hơn 20 nhóm phiến quân dân tộc thiểu số của Myanmar - nhiều nhóm như vậy hiện đang kiểm soát vùng lãnh thổ biên giới. Các nhóm này đã tấn công lẫn nhau và quân đội để giành quyền buôn bán ma túy, tài nguyên thiên nhiên và quyền tự trị. Nhưng tất cả đều dễ bị tấn công bởi Covid-19.
Trợ giúp nhiều phe
Naw Bu cho biết, khi đợt dịch thứ 3 tràn qua Myanmar vào tháng 7, KIA đã tiêm vắc xin của Trung Quốc cho 10.000 người tại trụ sở ở Laiza.
Ông cho biết thêm, các nhân viên y tế Trung Quốc cũng đi qua biên giới để giao khẩu trang và thuốc sát trùng tay.
Đây là cảnh tượng quen thuộc dọc khu biên giới nhạy cảm.
Một phát ngôn viên cho biết, nhóm phiến quân Đảng Tiến bộ Bang Shan đã tiêm vắc xin Trung Quốc cho 1.000 người ở các khu vực do lực này kiểm soát. Người này nói thêm rằng lực lượng đã đặt hàng tổng cộng nửa triệu liều vắc xin Trung Quốc.
Trong khi đó, tại thị trấn biên giới Muse, nhiều người hiện đang làm việc tại một trung tâm kiểm dịch mới có sức chứa lên đến 1.000 giường cho các thương nhân muốn nối lại kinh doanh với Trung Quốc.
Người lao động đều là người Myanmar, nhưng nguyên vật liệu đều được cung cấp bởi chính quyền ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ luôn cung cấp sự trợ giúp và hỗ trợ cần thiết cho người dân Myanmar trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh", một phát ngôn viên đối ngoại Trung Quốc cho biết khi được hỏi liệu Bắc Kinh có đang giúp đỡ các nhóm nổi dậy Myanmar chống lại Covid-19 hay không.
Nhưng Enze Han, phó giáo sư quản lý hành chính công của Đại học Hong Kong, cho biết việc các cơ quan chức năng Trung Quốc đi qua biên giới để viện trợ phòng dịch là điều "có lý".
Ông nói: "Nếu Trung Quốc muốn bảo vệ nước này khỏi Covid… thì họ cần phải tạo ra một vùng đệm".
Nếu các cuộc đụng độ lớn giữa phiến quân và quân đội nổ ra - như đã từng xảy ra vào năm 2017, khiến hàng nghìn người chạy trốn sang Trung Quốc - thì đó sẽ là "tình huống xấu nhất" đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã gửi hàng triệu liều vắc xin trực tiếp cho chính phủ quân sự. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục can dự vào các khu vực mà chính quyền quân sự của nhà nước Myanmar còn yếu.
"Chính phủ quân sự chắc chắn không thích điều đó," Han của Đại học Hồng Kông nói. "Nhưng họ không có lựa chọn nào khác."
Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)