Đường băng do Trung Quốc xây dựng trái phép ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: GT |
Bà Willett nhắc lại việc Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN tái khẳng định về tầm quan trọng của Biển Đông trong tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands hồi tháng 2. Theo đó, các nước nhất trí về việc tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo đảm tự do lưu thông ở vùng biển quan trọng này.
Bà Willet khẳng định Mỹ "rất quan ngại" về các động thái khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua như điều động lực lượng quân sự, triển khai vũ khí.
Theo bà Willett, chính phủ Mỹ đã nhiều lần đề cập thẳng thắn với các lãnh đạo Trung Quốc về lo ngại của Washington. Bắc Kinh chống chế rằng các cơ sở nước này xây dựng đều nhằm mục đích dân sự và đều là công trình dân dụng.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ rõ sự lập lờ của Trung Quốc, bởi thực tế Bắc Kinh không hề cần những cơ sở này để hỗ trợ ngư dân hay giám sát thời tiết.
“Các đường băng Trung Quốc xây được thiết kế để máy bay ném bom chiến lược hoạt động, chứ không phải máy bay chở hàng dùng trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo hay cứu hộ thiên tai”, bà Willet nhấn mạnh.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhận định một trong những sự kiện quan trọng liên quan đến Biển Đông trong những tháng tới là kết quả từ vụ kiện của Philippines.
Bà Willett mô tả phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực mang tính ràng buộc đối với cả Philippines và Trung Quốc, đều là những nước tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bà Willett kêu gọi Trung Quốc không nên phớt lờ phán quyết vụ kiện. Bởi làm như vậy, Bắc Kinh tự đặt mình vào thế đối đầu với tất cả các nước láng giềng.
"Trung Quốc không nên xem đây là mối đe doạ, mà cần nhận thấy đây là cơ hội để các bên cùng phối hợp, nỗ lực để tìm ra giải pháp cho tranh chấp dựa trên ngoại giao”, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.
Ngày 31/1, Reuters cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị cấp cao về hạt nhân diễn ra tại Washington. Ông dự kiến sẽ có cuộc họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama để trao đổi về nhiều vấn đề, bao gồm tình hình Biển Đông.
Lần gặp gỡ gần nhất của hai nguyên thủ Trung - Mỹ diễn ra vào tháng 9, khi ông Tập Cận Bình đến thăm Washington. Tại đây, Chủ tịch Trung Quốc đã hứa không theo đuổi quân sự hoá ở Biển Đông.
Trả lời PV, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Willett cho biết chưa thể thông tin chi tiết về nội dung cuộc trao đổi giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình sắp tới, vì điều này còn chờ vào sự sắp xếp của Nhà Trắng.
"Tuy nhiên, trong những lần gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ đã bày tỏ quan điểm nhất quán rằng Washington quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Những công trình hoặc việc xây dựng của nước này không hoàn toàn vì mục đích dân dụng như họ tuyên bố. Và chúng có tác động rõ ràng đến tình hình khu vực”, bà nói.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh liên tục bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đã lắp đặt radar tại các đá này. Hành vi hiếu chiến của Trung Quốc đi ngược lại cam kết "không quân sự hóa Biển Đông" và bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt.
Hồi tháng 2, Trung Quốc ngang nhiên triển khai trái phép hệ thống phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Bắc Kinh còn điều máy bay tiêm kích J-11 tới đây.
Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Năm vào năm 1974. Phú Lâm là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa. Đảo có chiều dài đến 1,7 km, chiều ngang 1,2 km.
Theo Minh Anh (Zing.vn)