Đối thoại Shangri-la tập trung về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc sẽ bị "quây" và nước đứng đầu là Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên đường đi Singapore ngày 31/5, nơi phái đoàn Mỹ sẽ có thêm hai lãnh đạo quân sự cao cấp là Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân, và Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Đối thoại Shangri-La năm 2015. |
South China Morning Post ngày 1/6 đưa tin, Trung Quốc sẽ cử ông Tôn Kiến Quốc - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương phụ trách đối ngoại làm trưởng đoàn tham dự Đối thoại Shangri-la năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến phát biểu trong ngày họp đầu tiên (4/6). Trong khi trưởng đoàn Trung Quốc Tôn Kiến Quốc sẽ phát biểu trong ngày họp thứ hai (5/6), cũng là ngày diễn ra phiên toàn thể với chủ đề về “Những lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc”.
Ông Quốc sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la cũng như các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo quân đội các nước tham dự diễn đàn.
Diễn đàn an ninh châu Á lần này được cho là sẽ nhấn mạnh về tình hình Biển Đông và vai trò của Trung Quốc tại đây.
Thời Ân Hoằng, Giáo sư Đại học Nhân Dân Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh nên chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với tình huống bịMỹ và các nước châu Á khác "quây" tại diễn đàn an ninh khu vực quan trọng này với cường độ cao hơn năm ngoái.
"Năm nay Trung Quốc đã làm rất nhiều việc để tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông", ông Hoằng nói.
Giáo sư Hoằng cho hay, theo ông, Bắc Kinh lo ngại Mỹ đang hình thành liên minh trong một nỗ lực thành lập một "NATO phiên bản châu Á".
Trong khi đó, Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh nói với South China Morning Post rằng ông Tôn Kiến Quốc sẽ đến Shangri-la để trình bày quan điểm của ông Tập Cận Bình: Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng sẽ không sợ bất kỳ rắc rối nào.
Trong khi đó cũng theo South China Morning Post ngày 1/6, Trung Quốc đã chuẩn bị áp đặt (bất hợp pháp) một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông mà rất có thể sẽ đè lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia.
Nguồn tin này nói rằng, mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi, vấn đề còn lại phụ thuộc vào "thái độ của Mỹ". Chỉ cần Washington cung cấp cho Bắc Kinh một cái cớ, ADIZ Biển Đông sẽ được Trung Quốc tuyên bố.
Còn theo tạp chí Kanwa Defense Review xuất bản tại Canada, Bắc Kinh đã xác định các khu vực của ADIZ bao gồm cái gọi là "vùng đặc quyền kinh tế" của quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp). Thời gian công bố sẽ là một quyết định chính trị.
Shangri-la nóng nhưng sẽ kiềm chế nhau
Trái với các dự đoán trên, Tiến sỹ Tim Huxley - Giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) dự đoán rằng vấn đề Biển Đông sẽ làm "nóng" các cuộc thảo luận.
Đánh giá về môi trường an ninh khu vực một năm qua, Tiến sỹ Tim Huxley cho rằng tình hình Đông Nam Á và cả Đông Bắc Á có những diễn biến căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, theo ông Huxley, do nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ song phương, nên tại diễn đàn lần này, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng kiềm chế giống như họ từng thể hiện năm 2015.
Ông Tôn Kiến Quốc và Bộ trưởng Ash Carter bên lề Đối thoại Shangri-la năm ngoái. Ảnh: SCMP. |
Ngày 31/5, Trung Quốc lại cực lực tố cáo Lầu Năm Góc vẫn duy trì tâm lý Chiến tranh Lạnh và định làm "phim bom tấn Hollywood" khi triển khai vũ khí hiện đại tới Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ kiên quyết chống lại những "hành động nhằm hủy hoại chủ quyền lãnh thổ và an ninh Trung Quốc".
Tuyên bố gay gắt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm đáp trả nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter hôm 27/5, theo đó việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa thịnh vượng ở khu vực Châu Á, và khi làm như vậy, Bắc Kinh chỉ dựng lên một bức "Vạn Lý Trường Thành" của sự tự cô lập mà thôi.
Theo Kim Hoa (Đất Việt)