Các nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất và Địa Vật lý, Viện Khoa học Trung Quốc đã cảnh báo với các nhà khoa học Triều Tiên về nguy cơ ngọn núi Mantap tại Punggye-ri sụp đổ sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này, SCMP ngày 27/10 đưa tin.
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân truyền thống của Triều Tiên, nằm sâu trong lòng núi Mantap cách biên giới Trung Quốc khoảng 80 km. Triều Tiên đã 6 lần thử hạt nhân tại địa điểm này. Vụ thử mới nhất diễn ra hôm 3/9, được xác định mạnh hơn tất cả các vụ nổ hạt nhân trước đó cộng lại, gây ra nhiều địa chấn và sạt lở ở điểm thử hạt nhân.
Các nhà địa chất học Trung Quốc đưa ra cảnh báo này khi đoàn khoa học Triều Tiên do ông Lee Doh-sik, giám đốc Viện Nghiên cứu Địa chất thuộc Viện Khoa học Nhà nước Triều Tiên, dẫn đầu tới thăm Bắc Kinh hôm 20/9.
Nội dung cuộc gặp không được tiết lộ, nhưng các nhà khoa học tham gia sự kiện cho biết lo ngại về vấn đề thử hạt nhân của Triều Tiên là đề tài được quan tâm hàng đầu.
Hai ngày sau cuộc gặp trên, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho bất ngờ tuyên bố tại Liên Hợp Quốc rằng Bình Nhưỡng có thể xem xét nổ quả bom nhiệt hạch "uy lực nhất" trên Thái Bình Dương.
Một nhà khoa học hạt nhân cấp cao Trung Quốc trước đó cũng cảnh báo rằng bất cứ vụ thử hạt nhân nào nữa cũng có thể thổi tung đỉnh Mantap, gây ra thảm họa môi trường do bụi phóng xạ lan ra khu vực rộng, có thể lan tới biên giới Trung Quốc.
Ảnh vệ tinh tại núi Mantap sau vụ nổ hạt nhân lần 6 cho thấy một khu vực rộng gần 350.000 m2 trên đỉnh núi đã bị lún xuống. Các nhà khoa học cho rằng núi Mantap đang xuất hiện triệu chứng "núi mỏi", biểu hiện của việc bị hư hại do các cuộc thử hạt nhân. Triệu chứng này từng xảy ra ở bãi thử hạt nhân của Liên Xô và Mỹ.
Theo Vũ Phong (VnExpress.net)