Quan chức Trung Quốc nói Mỹ cần tính toán cẩn trọng các lựa chọn quân sự với Triều Tiên bởi những hậu quả khó kiểm soát.
Một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân chỉ có thể đạt được thông qua thương lượng hòa bình, trong khi bất cứ hành động quân sự nào cũng Mỹ cũng đe dọa sự ổn định của khu vực và làm tăng thêm sự ngờ vực với các quốc gia liên quan, People's Daily hôm nay dẫn lời bà Phó Oánh (Fu Ying), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc.
Bình luận của bà Phó được đưa ra trong bài viết do Viện Brookings, cơ quan tư vấn Mỹ, công bố hôm 30/4.
Bà Phó kêu gọi Mỹ tính toán cẩn trọng các bước đi, bởi bất cứ lựa chọn quân sự nào, dù lớn hay nhỏ, cũng mang đến nguy cơ gây thương vong lớn cho người dân và dẫn đến những hậu quả khó kiểm soát.
Đây cũng là bình luận mới nhất trong những phát biểu công khai của các quan chức Trung Quốc liên quan đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hôm 28/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lặp lại lập trường của Bắc Kinh, kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Triều Tiên.
Phản hồi những nghi ngờ cho rằng Trung Quốc miễn cưỡng giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, bà Phó nói Bắc Kinh đã làm hết vai trò của một trung gian hòa giải và tham gia các biện pháp trừng phạt do Liên Hợp Quốc đưa ra. Bà Phó cũng nói Trung Quốc không thể ép buộc bất cứ bên nào chịu trách nhiệm tương ứng.
"Sự ngờ vực sâu sắc giữa Mỹ và Triều Tiên khiến cho các bên rất khó thực hiện hiệu quả những nhất trí chung hoặc thỏa thuận đạt được trong nhiều năm đàm phán... Không nắm giữ chìa khóa giải quyết mối lo lắng về an ninh của Triều Tiên, Trung Quốc không có đòn bẩy để thuyết phục nước này ngừng chương trình hạt nhân", bà Phó nói.
Nữ Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc dự đoán ba kịch bản xảy ra liên quan đến Triều Tiên. Đầu tiên là chế độ hiện tại ở Triều Tiên sụp đổ, thứ hai là vòng luẩn quẩn thử tên lửa, hạt nhân tiếp diễn cho tới khi đạt tới điểm bùng phát. Kịch bản cuối là đàm phán và thương lượng sẽ lại diễn ra.
"Chỉ có thông qua đối thoại mới có thể đạt được an ninh chung. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp bán đảo Triều Tiên thoát khỏi vòng luẩn quẩn và ngăn chặn việc Đông Bắc Á biến thành khu rừng đen tối".
Triều Tiên đang tìm cách phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ và đã thử hạt nhân 5 lần, kể từ năm 2006. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khó có thể tăng cao đến mức xung đột, bởi các bên đều ý thức được hậu quả nếu chiến tranh nổ ra.
Theo Văn Việt (VnExpress.net)