Trung Quốc cam kết không xâm lược láng giềng

17/10/2015 10:49:46

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố dù nước này có phát triển lớn mạnh đến đâu đi nữa cũng sẽ không xâm lược các nước láng giềng.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố dù nước này có phát triển lớn mạnh đến đâu đi nữa cũng sẽ không xâm lược các nước láng giềng.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (thứ 4 từ phải sang) và những người đồng cấp ASEAN tại sự kiện hôm qua. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên của Bộ trưởng Thường Vạn Toàn được đưa ra tại cuộc gặp không chính thức giữa bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với người đồng cấp các nước ASEAN hôm qua diễn ra tại Bắc Kinh.

Đây là cuộc gặp không chính thức lần thứ 5 giữa những người đứng đầu ngành quốc phòng Trung Quốc và ASEAN, và là lần đầu tiên tổ chức tại Trung Quốc.

Ông Thường khẳng định lại ý kiến của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng, dù nước này có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng. Tuyên bố này được đưa ra trong lúc nhiều nước khu vực, trong đó có các thành viên ASEAN, quan ngại về các bước đi ngày càng quả quyết của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Trung Quốc nhiều năm qua đẩy mạnh xây dựng quân đội lớn mạnh, trong đó chú trọng nâng năng lực hải quân. Theo các sách trắng mà nước này công bố, chi tiêu quốc phòng liên tục tăng ở mức hầu hết là hai con số qua từng năm. Đối với tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp các đá ngầm ở Trường Sa - quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam - và xây dựng các công trình trên đó, gây bất bình cho các nước lân cận và liên quan.

Tuy nhiên, tướng Thường vẫn khẳng định đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN. Ông này đề xuất xây dựng các cơ chế an ninh để thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tăng cường lòng tin.

Về Biển Đông, ông Thường nói Trung Quốc mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn hòa bình, như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Phía ASEAN đề nghị thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong vấn đề Biển Đông, nơi có tuyên bố chủ quyền chồng lấn của nhiều nước, Bắc Kinh chủ trương đàm phán tay đôi với từng bên, trong khi các quốc gia ASEAN lâu nay cho rằng đây là vấn đề cần sự tham gia của nhiều phía.
 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tham dự cuộc gặp. Ảnh: VOV

Không được sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực

Phát biểu tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ, với vị thế và tiềm năng to lớn về chính trị, kinh tế và an ninh, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực và thế giới.

"Một Trung Quốc phát triển hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN đem lại cơ hội lớn cho ASEAN và ngược lại. Vì vậy, hợp tác phát triển lâu dài, bền vững, toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc là mong muốn, là mục tiêu ưu tiên của các quốc gia thành viên ASEAN", ông Thanh nói. Ông cho rằng trong khu vực, điểm tồn tại duy nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề trên biển.

Quan điểm lập trường nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc, xử lý tồn tại bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên tinh thần Thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên biển giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc.

Bộ trưởng Thanh nêu rõ, thực tiễn cho thấy, để quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh phát triển toàn diện, sâu sắc, bền vững và hiệu quả thì các biện pháp xây dựng lòng tin và nâng cao năng lực hành động thực tiễn cần phải được quan tâm, nuôi dưỡng và thúc đẩy.

Bộ trưởng Thanh đề xuất thường xuyên duy trì đối thoại cởi mở, đặc biệt là tiếp xúc cấp cao giữa quân đội các nước, chú trọng hợp tác trên những lĩnh vực có cùng lợi ích, lấy chuẩn mực là luật pháp quốc tế, đặc biệt coi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là nền tảng để xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Các bên cần tuân thủ DOC và xây dựng cho được COC, kiềm chế không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực, nói đi đôi với việc làm, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau được luật pháp quốc tế quy định. Từ đó, các bên sẽ tránh được sự nghi kỵ, hiểu lầm dễ dẫn tới những tính toán sai lầm, cũng như ngăn ngừa và kiểm soát được nguy cơ xung đột.
 
>> Trung Quốc vòng vo về hoạt động phi pháp ở Biển Đông
>> Trung Quốc không muốn thảo luận tranh chấp Biển Đông tại hội nghị ASEAN

Theo VnExpress.net/TTXVN

Nổi bật