Quốc hội Trung Quốc hôm 7-11 yêu cầu Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (Legco) không cho 2 nghị sĩ trúng cử Yau Wai-ching và Leung Chung-hang tuyên thệ lại nếu lời tuyên thệ đầu tiên của họ không hợp lệ.
“Một lời tuyên thệ không phù hợp với luật pháp Hồng Kông nên được xác định là không hợp lệ và không được phép thực hiện lần nữa” – ông Zhang nhấn mạnh. “Các nhà lập pháp phải chân thành và nghiêm túc khi nói ra lời tuyên thệ, đồng thời hoàn toàn cam kết duy trì Luật Cơ bản Hồng Kông như là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Vụ việc của 2 nghị sĩ Yau và Leung đã bị chính quyền Hồng Kông đưa ra tòa và Tòa án Tối cao của đặc khu bắt đầu xem xét hôm 3-11.
Hai nghị sĩ Yau (phải) và Leung (giữa) tham gia biểu tình ở Hồng Kông hôm 6-11. Ảnh: REUTERS |
Hồi tháng trước, 2 người này “chêm” những từ ngữ chống Trung Quốc, đồng thời giăng biểu ngữ “Hồng Kông không phải Trung Quốc” trong lúc tuyên thệ.
Một phần vì lý do trên, Bắc Kinh tuyên bố muốn diễn giải lại Điều 104 Luật Cơ bản Hồng Kông (có nội dung các nghị sĩ phải thề trung thành với đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”). Giới luật sư ở đặc khu lo ngại một sự can thiệp như vậy sẽ làm giảm tình trạng bán tự trị của thành phố.
Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 5-11 dẫn lời ông Zhang phát biểu trước Quốc hội: “Hai chính trị gia Yau và Leung – những người được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hồi tháng 9 - đã thách thức giới hạn của nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’”.
Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Trung Quốc nói thêm “việc diễn giải lại Luật Cơ bản Hồng Kông thể hiện quyết tâm và ý chí vững chắc của chính phủ Trung Quốc trong việc phản đối “Hồng Kông độc lập”. Điều này phù hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Trung Quốc, bao gồm cả những đồng bào ở Hồng Kông”.
Biểu tình phản đối Trung Quốc diễn giải lại Luật cơ bản Hồng Kông hôm 6-11. Ảnh: REUTERS |
Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin Quốc hội Trung Quốc hôm 7-11 đã thông qua việc diễn giải lại Điều 104 Luật Cơ bản Hồng Kông, trong đó nói rằng các nhà lập pháp phải thề trung thành với đặc khu như là một phần của Trung Quốc.
Đây được xem là sự can thiệp trực tiếp nhất của Bắc Kinh đối với hệ thống pháp luật và chính trị tại Hồng Kông kể từ khi Anh trao trả hòn đảo này cho Trung Quốc năm 1997. Khi đó, Hồng Kông được trao quyền tự chủ, bao gồm quyền tự do tư pháp dựa trên một “hiến pháp mini” gọi là Luật Cơ bản.
Rạn nứt giữa Hồng Kông và Bắc Kinh bị đào sâu bởi 2 nghị sĩ Yau và Leung. Họ tuyên thệ trung thành với “đất nước Hồng Kông” và khẳng định “Hồng Kông không phải Trung Quốc”.
Động thái trên của Quốc hội Trung Quốc có thể tiếp tục chọc giận các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông. Hôm 6-11, hàng trăm người biểu tình đụng độ với cảnh sát xung quanh văn phòng đại diện của Trung Quốc tại đặc khu.
Theo P.Nghĩa (Nld.com.vn)