Trả lời trên New York Times, Tshering Sherpa, cựu giám đốc Hội người leo núi Nepal, nói Bắc Kinh từng gây sức ép lên chính quyền Kathmandu và một cơ quan quốc tế để công nhận phát hiện năm 2005 do chính Trung Quốc thực hiện rằng đỉnh núi Everest cao 29.017 feet (8.844,43 m). Độ cao mới cũng được Bắc Kinh đưa vào các tài liệu chính thức ngay trong năm này.
“Tuy nhiên, kể từ năm ngoái họ lại thay đổi con số sau khi lượng người đăng ký leo núi ở đỉnh Everest từ vùng phía Bắc giảm mạnh”, Tshering nói.
Chính quyền Nepal lâu nay khăng khăng không thay đổi con số độ cao của ngọn núi được công bố từ năm 1975 là 8.848 m. Một phần nguyên nhân mà những vận động viên thường thích xuất phát từ phía Nepal hơn vì họ sẽ nhận giấy chứng nhận thành tích với độ cao cao hơn.
Nằm tại dãy Himalaya giữa biên giới Trung Quốc và Nepal, độ cao của đỉnh Everest vốn là chủ đề gây tranh cãi nhiều thập kỷ qua. Điểm tranh chấp mấu chốt giữa 2 bên là độ cao này có tính luôn cả chóp núi tuyết của nó hay chỉ là đến phần đá nền.
Phản hồi những cáo buộc từ phía Nepal, đại diện Cơ quan quản lý đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Trung Quốc ngày 11/2 khẳng định Bắc Kinh không thay đổi các tiêu chuẩn về độ cao của núi Everest.
“Độ cao 8.844,43 được công bố năm 2005 với sự phê chuẩn của chính phủ và tuân theo đầy đủ luật lệ về đo đạc của Trung Quốc. Đến nay nó được sử dụng là cơ sở tiêu chuẩn toàn quốc về chiều cao phần đá nền trên đỉnh núi. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ con số này”, vị này nói.
Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)