Hơn 2 tháng kể từ khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác “đường chín đoạn” ở Biển Đông, Trung Quốc đã đồng ý để ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough, Manila cho biết.
Tại cuộc họp báo hôm qua 30/8, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Ernesto Abella, cho biết Trung Quốc đã đồng ý để ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough - khu vực được coi là ngư trường truyền thống của Philippines theo phán quyết của tòa trọng tài. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bắt đầu từ khi nào ngư dân Philippines có thể tự do trở lại Scarborough.
Ông Abella cho biết, đây là một trong những vấn đề mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nêu ra tại một sự kiện với sự có mặt của Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa hôm 26/8. “Đó chính xác là một trong những vấn đề mà Tổng thống Duterte đề nghị: Đừng cư xử với người dân của chúng tôi như kẻ thù, thay vì đối đầu chúng ta hãy là bạn bè, để họ được đánh bắt ở Scarborough”, ông Abella nói.
Tuy nhiên quan chức này nói: “Tôi không biết chính xác ngày ngư dân Philippines được trở lại bãi cạn Scarborough, nhưng vấn đề này đã được thảo luận với giới chức Trung Quốc, họ đã nhất trí”.
Trong cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ đồng hồ với Đại sứ Trung Quốc, ông Duterte cũng đề cập đến khả năng đám phán với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông. Ông nói, Philippines sẵn sàng tạm gác phán quyết của tòa trọng tài vì không muốn gây chiến với Bắc Kinh, nhưng chắc chắn sẽ động đến phán quyết này trong tương lai.
Thời gian gần đây, ông Duterte được cho là đưa ra những phát ngôn trái chiều trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông Trung Quốc. Lúc ông tỏ ra mềm mỏng với tuyên bố sẵn sàng đàm phán song phương, lúc lại cứng rắn với tuyên bố sẵn sàng “đối đầu đẫm máu.
Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc ngày 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa cũng kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc.
Về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines. Ngoài ra, theo tòa, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gây ra các rủi ro va chạm khi tìm cách ngăn cản tàu Philippines.
Đối với bãi cạn Scarborough, mặc dù nhấn mạnh không đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines khi luôn tìm cách ngăn tàu cá Philippines tiếp cận khu vực này kể từ sau tháng 5/2012.
Theo Minh Phương (Dân Trí)