Chính quyền Trung Quốc vừa tiến hành liệt kê các từ lóng mang ý nghĩa chỉ trích cá nhân không được nói trên mạng, bao gồm những từ như "m* mày", "vớ vẩn" và "thích tỏ ra nguy hiểm".
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin vào hôm 3/6 cho thấy chính quyền Trung Quốc vừa liệt kê 25 câu từ thô tục không phù hợp, mang ý nghĩa chỉ trích cá nhân. Đứng đầu danh sách là từ "m* mày". Một trong số những từ khác bao gồm "diaosi" (kẻ thất bại) hay "wokao" (vớ vẩn). Chính quyền Trung Quốc cũng cấm người dân bình luận nhau bằng từ "zhuangbility", có nghĩa là "thích tỏ ra nguy hiểm".
|
Người dân Trung Quốc giờ không được phép nói nhau là "thích tỏ ra nguy hiểm" (Ảnh: Bloomberg News)
|
Chương trình trên là một phần của chiến dịch do Cục Quản trị Không gian mạng Trung Quốc tiến hành nhằm làm trong sạch ngôn từ trên Internet.
Bên cạnh 25 từ thô tục được liệt kê trong dach sách đen như đã nói trên, nhà chức trách Trung Quốc trong vài tháng qua còn yêu cầu tiến hành yêu cầu xoá các bài viết trên mạng xã hội có nội dung kiểu tin đồn nhảm lan truyền, cũng như các tên tài khoản có từ ngữ thô tục hoặc mang yếu tố chính trị.
"Làm sạch môi trường từ ngữ trên Internet không nhằm ngăn chặn hay hạn chế ngôn luận trên mạng, nhưng cũng không yêu cầu người dân phải nói quá lịch sự với nhau như trong sách văn học", bản báo cáo khẳng định, đồng thời tuyên bố việc này nhằm thiết lập một cộng đồng mạng có môi trường giao tiếp văn hoá, thoải mái.
Bản báo cáo cũng chỉ ra mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hiện tại để người sử dụng nói quá nhiều ngôn từ thô tục, cũng như giới truyền thông nước này hiện sử dụng quá nhiều từ ngữ phản cảm mang ý nghĩa chỉ trích trên tiêu đề.
Một người phát ngôn của mạng xã hội Weibo cho biết những ngôn từ chỉ trích đều sẽ được xử lý qua hệ thống kiểm duyệt của công ty, nhất là đối với những tranh luận giữa cư dân mạng.
Một cư dân mạng Trung Quốc lại lo ngại việc làm của chính phủ nước này hơi quá cứng rắn, bởi bản báo cáo cũng liệt kê cả những từ lóng mang ý nghĩa tích cực như "geili" (ghê đấy) và "dianzan" (hãy bấm like).
Theo Sơn Trang (MASK Online)